Chế độ ăn cho người bệnh bướu cổ
Khi bị bướu cổ, việc áp dụng chế độ ăn uống khoa học giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và cải thiện tình trạng bệnh.
Bướu cổ , tình trạng phì đại tuyến giáp, là một tình trạng tương đối phổ biến có thể do thiếu hoặc thừa i-ốt. Mặc dù bản thân bệnh bướu cổ thường là lành tính và không đe dọa đến tính mạng nhưng nó có thể dẫn đến suy giáp và các rối loạn tuyến giáp khác nếu không được điều trị.
Theo ThS.BS Hoàng Vũ - Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Bạch Mai, bướu cổ có thể liên quan đến việc lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể không bình thường (cường giáp hoặc suy giáp). Bướu cổ có thể phát triển ở bất kỳ ai nhưng thường gặp ở phụ nữ. Trong một số trường hợp, bướu cổ ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, thay đổi chức năng hoặc tăng hay giảm hormone tuyến giáp.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho bệnh nhân bướu cổ
Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh bướu cổ. Chế độ ăn hợp lý không chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng mà còn hỗ trợ quá trình điều trị và ngăn ngừa các biến chứng. Chế độ dinh dưỡng của bị người bệnh bướu cổ cần giàu nhiệt lượng, giàu vitamin, đủ carbohydrate và protein giúp hỗ trợ chức năng tuyến giáp cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể.
Hỗ trợ chức năng tuyến giáp: Một số thực phẩm có thể giúp điều hòa hoạt động của tuyến giáp, giảm các triệu chứng như bướu to, tim đập nhanh, hồi hộp.
Cải thiện sức khỏe tổng thể: Chế độ ăn lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm các nguy cơ mắc bệnh khác.
2. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh bướu cổ
TS.BS Bùi Khắc Hậu, Đại học Y Hà Nội cho biết, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ iod cho cơ thể bằng cách ăn các thức ăn giàu iod như cá biển. Sử dụng muối iod trong các chế biến thức ăn hàng ngày là cách đơn giản dễ thực hiện để làm giảm nguy cơ thiếu i-ốt.
I-ốt: I-ốt rất quan trọng để tạo ra hormone tuyến giáp. I-ốt thấp dẫn đến suy giáp và bướu cổ. Liều lượng khuyến nghị cho người lớn là 150mcg mỗi ngày.
Selenium (selen): Khoáng chất chống oxy hóa này hỗ trợ tổng hợp hormone tuyến giáp và bảo vệ tuyến khỏi tổn thương oxy hóa. Người lớn cần 55mcg selen mỗi ngày.
Kẽm: Kẽm cần thiết để kích hoạt hormone tuyến giáp để cơ thể có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả. Liều lượng khuyến nghị hàng ngày là 8mg đối với phụ nữ trưởng thành và 11mg đối với nam giới.
Sắt: Sắt cho phép tuyến giáp chuyển đổi hormone T4 không hoạt động thành hormone T3 hoạt động. Phụ nữ trưởng thành cần 18mg sắt mỗi ngày, trong khi nam giới cần 8mg.
Để có đủ lượng khoáng chất thiết yếu này, hãy nhấn mạnh những thực phẩm này trong chế độ ăn uống của người bệnh:
- I-ốt: Hải sản, các sản phẩm từ sữa, trứng, mận, đậu lima, hạt vừng.
- Selenium: Quả hạch Brazil, cá ngừ, thịt bò, gà tây, thịt gà, trứng, gạo lứt.
- Kẽm: Hàu, thịt bò, hạt bí ngô, sữa chua, đậu xanh, hạt điều.
- Sắt: Thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, đậu, đậu lăng, rau bina, nho khô.
3. Những nguyên tắc cần nhớ trong chế độ ăn cho người bệnh bướu cổ
Bổ sung đủ i-ốt: I-ốt là nguyên liệu chính để sản xuất hormone tuyến giáp. Bệnh bướu cổ thường đi kèm với tình trạng thiếu i-ốt hoặc thừa i-ốt. Chế độ ăn giúp cân bằng lượng i-ốt cần thiết cho tuyến giáp hoạt động bình thường. Nên bổ sung i-ốt từ các nguồn thực phẩm như hải sản, trứng, sữa, muối i-ốt,...
Hạn chế thực phẩm chứa chất goitrogen: Đây là những chất có thể ức chế sự tổng hợp hormone tuyến giáp. Các thực phẩm chứa nhiều goitrogen bao gồm cải bắp, bông cải xanh, đậu nành, đậu phộng.
Uống đủ nước: Nước giúp loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể, hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
Hạn chế đồ uống có cồn, chất kích thích: Các chất này có thể làm tăng nhịp tim và gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh bướu cổ. Người bệnh bướu cổ cần tránh các loại thức ăn có tính kích thích, các loại rượu để không làm tăng thêm sự hưng phấn thần kinh của bệnh nhân.
Ngoài ra, người bệnh cần tránh buồn phiền giận dữ, giữ cho tình cảm được ổn định, lạc quan để không có phản ứng kích thích xấu, hỗ trợ tối đa cho việc khôi phục sức khỏe.
4. Những thực phẩm người bệnh bướu cổ nên ăn và nên tránh
Thực phẩm người bệnh bướu cổ nên ăn:
- Hải sản: là loại thực phẩm cung cấp i-ốt tự nhiên rất tuyệt vời. Các loại hải sản như tôm, cua, ngao, sò, hến,… vừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon vừa là nguồn cung i-ốt dồi dào.
- Trứng: Cung cấp protein và i-ốt. Trong trứng có chứa hàm lượng selen và i ốt lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, trong lòng đỏ trứng có nhiều chất dinh dưỡng. Vì vậy tốt nhất nên ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: Nguồn cung cấp canxi và i-ốt dồi dào.
- Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, hạt điều...
- Trái cây và rau xanh: Rau củ quả luôn là nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe vì không những giàu vitamin mà còn cung cấp các khoáng chất cần thiết và giàu chất xơ , ít chất béo. Đây cũng là một nguồn cung cấp vitamin A an toàn và không gây ra tác dụng phụ.
Rong biển và muối i-ốt là nguồn rất đậm đặc, có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu i-ốt.
Những thực phẩm nên hạn chế:
Nếu chỉ là bướu cổ đơn thuần, nên kiêng ăn các loại rau như cải xanh, củ cải, vì ăn những thứ rau này sẽ sinh ra muối sunfoxianat có thể mau chóng chuyển thành acid sunfoxyanic là chất làm to tuyến giáp trạng. Nếu như người bệnh vẫn muốn cung cấp những loại rau họ cải trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày thì có thể thái nhỏ các loại rau kết hợp ngâm rửa kỹ. Khi đó isothiocyanates sẽ bị mất đi 75% và khi luộc sẽ mất đi 95%, goitrin trong bắp cải cũng sẽ bị phân hủy.
Lưu ý, không nên ăn nhiều các loại quả có chứa sắc tố thực vật như cam, quýt, táo, lê, nho, vì trong những hoa quả này có chứa chất flavon, sẽ bị vi khuẩn đường ruột phân giải thành acid diglycerobenzoic và acid ferulic đều là những chất làm ức chế chức năng tuyến giáp trạng rất mạnh, làm cho bệnh bướu cổ nặng thêm.
Tuy các loại đậu rất tốt cho người mắc bệnh bướu cổ nhưng đậu nành lại có đặc tính kháng giáp, đặc tính này sẽ tăng lên khi chế độ dinh dưỡng thiếu i-ốt. Isoflavone trong sữa đậu nành gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh bướu cổ nếu thường xuyên sử dụng sản phẩm này. Những sản phẩm từ đậu nành cần kiêng chẳng hạn như đậu phụ, sữa đậu nành, bao gồm cả một số mayonnaise và món salad.
Ngoài ra, không tiêu thụ đồ uống có cồn, chất kích thích như cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas, hạn chế đồ ăn, thực phẩm chứa đường...
Chế độ ăn cho người bệnh bướu cổ cần được xây dựng cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe, độ tuổi và tình hình bệnh của từng người. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất. Bằng việc xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, người bệnh có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các biến chứng của bệnh.