Phân khúc bất động sản nào sẽ hút dòng kiều hối chảy về?
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam giúp hút thêm dòng kiều hối “đổ” vào thị trường địa ốc.
Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ là bước tiến lớn nhằm hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai , xây dựng và bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn.
Luật Đất đai năm 2024 chính thức gỡ bỏ rào cản pháp lý và khẳng định quyền sở hữu bất động sản bình đẳng cho Việt kiều . Điều này được thể hiện rõ tại Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Và Khoản 1, Điều 44 người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; có quyền sử dụng đất ở do nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.
Thống kê từ Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người có nhu cầu mua nhà Việt Nam trong tương lai, bao gồm cả những người nước ngoài và Việt kiều.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn theo Thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dat Xanh Services vừa công bố Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và cũng nhận định các quy định mới cởi mở cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều đầu tư và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Phần lớn Việt kiều mua nhà và muốn mua nhà tại Việt Nam là phân khúc tầm trung, để phục vụ nhu cầu ở thật chứ không phải đầu cơ. Những Việt kiều hiện có nhu cầu bất động sản đầu tư thì thường tìm kiếm những sản phẩm đầu tư dài hạn, và thường tập trung vào các phân khúc có khả năng khai thác cho thuê, với mức sinh lời cao.
Với trường hợp mua để tích luỹ tài sản, Việt kiều thường chọn bất động sản ở vùng ven TP.HCM, nơi có vị trí đắc địa và dân cư đông đúc. Vì những khu vực này có tiềm năng tăng giá trong tương lai và dễ dàng cho thuê, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
“Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong Top 3 khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lũy kế từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng năm 2023, lượng kiều hối chảy về cả nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được gửi gắm vào thị trường địa ốc.” – Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết.
Sự đổi mới của Luật Đất đai là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế mang tính tích cực. Lượng kiều hối sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang "khát vốn".
Dự đoán gì về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản dành cho người nước ngoài tại Việt Nam trong những năm tới, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính dự báo sẽ có nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài, gồm cả người còn quốc tịch và không còn quốc tịch đầu tư để sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Đi cùng với đó là thủ tục hành chính để xác minh cá nhân là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hay người gốc Việt định cư nước ngoài là rất quan trọng. Đòi hỏi thủ tục nhanh gọn nhưng cần chặt chẽ, tránh trục lợi.