Dân chơi bỏ 1 tỷ mua xe máy cổ hơn 70 năm tuổi: Nỗi lo vừa đi vừa đẩy
Vespa cổ thu hút người dùng bởi vẻ đẹp cổ điển, giản dị mà không kém phần đẳng cấp. Trào lưu chơi Vespa cổ đang thu hút nhiều người tham gia.
Không hào nhoáng như những dòng xe tay ga hiện đại nhưng Vespa cổ vẫn thu hút người dùng bởi vẻ đẹp cổ điển, giản dị mà không kém phần đẳng cấp. Trào lưu chơi Vespa cổ đang thu hút nhiều người tham gia.
Ấn tượng xe cổ
Sự kiện Vespa Day 2022, diễn ra ở Hà Nội vào ngày 24/4 vừa qua, quy tụ hàng loạt chiếc Vespa cổ, trong đó có không ít những chiếc xe quý hiếm của dân chơi khiến khách xem mê mẩn.
Thu hút được sự chú ý nhiều nhất có thể kể đến chiếc A.C.M.A, sản xuất năm 1954. Do trên logo của xe có chữ A.C.M.A nên người Việt Nam gọi nó với cái tên như vậy. Đây là một trong những chiếc Vespa cổ nhất tại Việt Nam, cũng là dòng xe Vespa đầu tiên du nhập vào nước ta.
Vespa VB1 sản xuất 1957. Mẫu xe này chỉ được Piaggio bán ra trong 2 năm 1957-1958 nên nó trở thành một trong những “của hiếm”, được những người sưu tầm săn lùng trên toàn thế giới. Vespa Standard VBB2, sản xuất năm 1960. Dòng xe này được Piaggio sản xuất từ năm 1958, trải qua nhiều cải tiến, tới năm 1967, “trang sử” của Standard đã chính thức khép lại.
Vespa Sprint 09 Autolube, sản xuất năm 1965, là phiên bản đặc biệt của dòng Sprint, có số máy 09. Đây là một trong những mẫu xe đẹp nhất của hãng Piaggio. Vespa Rally 180cc, sản xuất năm 1970, lấy cảm hứng từ Vespa Sprint 1966, với một số thay đổi về mặt thẩm mỹ ở tay lái, hộp đựng đồ và yên xe.
Vespa Rally 180 được đánh giá là một trong những chiếc xe tiện dụng nhất và đẹp nhất, nó bắt đầu được sản xuất vào năm 1968 và kết thúc vào năm 1973, với tổng số 26.000 xe đã được chế tạo.
Vespa tiếng Ý có nghĩa là “con ong”, được Piaggio bắt đầu sản xuất từ năm 1946. Nhưng phải đến năm 1953, những chiếc Vespa đầu tiên mới xuất hiện tại Việt Nam. Khi đó, Vespa là một dòng xe mang tính biểu tượng, thường được giới trung lưu, thượng lưu lịch lãm ưa chuộng. Có những chiếc xe trị giá bằng nửa căn nhà mặt phố tại Sài Gòn.
Người ta thường bắt gặp hình ảnh những người đàn ông ăn vận lịch sự, hoặc những cô gái cá tính với trang phục hợp thời ngồi trên chiếc Vespa dạo phố.
Những năm gần đây, trào lưu chơi Vespa cổ đang thu hút nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Không hào nhoáng như những dòng xe tay ga hiện đại, nhưng Vespa cổ vẫn thu hút người dùng. Có thể nói, vẻ đẹp cổ điển đã mang lại sự hấp dẫn cho dòng xe này. Với kiểu dáng đặc trưng, được thiết kế một cách tỉ mỉ, sắc sảo, cùng sự đa dạng về mẫu mã đã làm nên ấn tượng của những chiếc Vespa cổ.
Tiếng nổ của Vespa cũng là thứ khiến nhiều dân chơi mê mẩn. Tiếng nổ của xe cũng như giọng nói của một con người. Người đẹp nhưng giọng nói cũng phải thật ấm áp, ngọt ngào mới thật sự hoàn hảo, Hoàng Anh một dân chơi Vespa cổ ở Hà Nội, nhận xét.
Niềm đam mê
Dân chơi Vespa cổ thường tốn nhiều thời gian, công sức dành cho nó. Phải biết săn lùng, tìm kiếm từng món phụ kiện độc để làm nên sự độc đáo, khác lạ và giá trị “nghệ thuật” cho chiếc xe. Đây cũng là phần công việc hết sức công phu, tỷ mỉ và phải có sự say mê thực sự. Mỗi khi kiếm được một món đồ độc phù hợp với chiếc xe, giống như một thành quả, mang lại sự hứng khởi.
Không những thế, để một chiếc xe cổ hàng chục năm tuổi vận hành tốt mang lại cảm xúc còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc bảo dưỡng. Đối với những người đam mê chơi xe Vespa cổ, việc chăm sóc chiếc xe của mình là một thú vui.
Hấu hết các xe Vespa cổ phần khung sườn đã quá cũ nên phải mất công sức và tiền bạc để làm lại, bao gồm dập lại khung, gò nắn về form mẫu ban đầu, rồi hàn, sơn lại. Quan trọng nữa là động cơ cũng phải sửa chữa khắc phục nhiều, để không chỉ vận hành ổn định mà còn giữ được tiếng nổ đặc trưng.
Ngoài ra, còn phải hiểu biết về chiếc xe của mình, như cần pha bao nhiêu dầu nhớt với loại xăng nào để bôi trơn, bao lâu thì phải “sờ” vào bugi, xác suất dắt bộ và các phương án đối phó khi chiếc xe “dở chứng”…
Khi mọi thứ đã ổn cũng là lúc lên đường cùng Vespa. “Một trăm lời nói không bằng tí khói Sprint”, đó là lời của một dân chơi khi nói về chiếc Vespa Sprint cổ, sản xuất vào những năm 1960 của thế kỷ trước. Trong tiếng Anh, Sprint có nghĩa là “Vua nước rút”, nói về sự mạnh mẽ của động cơ và tốc độ tối đa chiếc xe này đạt được vào thời điểm đó. Khi chạy chiếc Vespa cổ này trên những con đường đẹp, vào những ngày trời xanh, mây trắng, gió lộng mới thấy được cảm giác thật lãng mạn và bồng bềnh cùng đất trời. Một vẻ đẹp cổ điển, lướt đi cùng tiếng nổ “pạch pạch pạch… ” rất đặc trưng, mới thật phê và thể hiện cá tính.
Nhiều CLB chơi xe Vespa cổ đã xuất hiện khắp cả nước. Đây là nơi quy tụ các dân chơi để chia sẻ với nhau về niềm đam mê này. Không ít chiếc đã có hành trình xuyên Việt, đi vòng Đông Dương khiến mọi người không khỏi bất ngờ.
Dân chơi Vespa cổ cả nước đã từng lên cơn sốt về một chiếc Vespa cổ có nhiều chữ ký nhất. Đó là chiếc xe được sản xuất từ năm 1959, nhưng vẫn thuộc hàng nguyên bản 100%, dù đã 60 năm tuổi. Chiếc xe này đã lập kỷ lục lưu giữ nhiều chữ ký nhất của gần 800 các nhà báo, phóng viên trên khắp cả nước trong chuyến xuyên Việt. Chiếc xe này được định giá khoảng 1 tỷ đồng.
Theo Vietnamnet.vn