Đột quỵ sau trận bóng đá
Đi đá bóng về chàng trai ngã ra sàn nhà tắm, chân tay co giật, được đưa đi cấp cứu.
Nguyễn Văn Hùng 28 tuổi, thường xuyên tham gia các trận đá bóng với bạn bè để tăng cường sức khoẻ, thư giãn sau những căng thẳng trong công việc. Tuy nhiên, cuộc sống của anh và gia đình thay đổi hoàn toàn sau buổi chiều đi đá bóng ở sân gần nhà.
Hôm đó, trận đấu diễn ra căng thẳng, kéo dài hơn thường lệ. Hùng trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi. Vừa bước vào phòng tắm, Hùng đột ngột ngã quỵ, tay chân co giật không kiểm soát.
Tiếng động lớn khiến mẹ Hùng - bà Nguyễn Thị Lan hốt hoảng. Thấy con trai nằm bất động, bà lập tức gọi cấp cứu đưa Hùng vào bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán Hùng bị đột quỵ do xuất huyết não. Dù được cứu sống kịp thời, nhưng Hùng phải đối mặt với những biến chứng nặng nề sau cơn đột quỵ.
Hùng không còn là chàng trai năng động, khoẻ mạnh như trước. Một bên người của anh yếu hẳn, đi lại khập khểnh, vệ sinh cá nhân cũng gặp khó khăn, cần giúp đỡ của mẹ khi một bên tay co quắp.
"Cuộc sống của gia đình tôi thay đổi hoàn toàn kể từ khi Hùng bị đột quỵ", bà Lan nói. Hùng là trụ cột gia đình giờ phải phụ thuộc vào người khác, nhìn thấy con như vậy bà Lan đau đớn vô cùng. Bản thân Hùng cũng rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng. Nhờ động viên của gia đình, anh dần lấy lại tinh thần, cố gắng tập phục hồi chức năng mong cải thiện sức khoẻ.
ThS.BS Chu Văn Vinh, khoa Nội - Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, hiện số người bị đột quỵ não ngày càng gia tăng, đáng nói là số người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ không hề nhỏ.
Nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ là căn bệnh ở người già trên 60 tuổi, nhưng thực tế gần đây số người trẻ nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng. Có thời điểm Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho 6 bệnh nhân là người trẻ bị đột quỵ não trong một đêm, nhiều trường hợp nguy kịch.
Đột quỵ não là bệnh nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Khi xảy ra đột quỵ não, việc phát hiện, cấp cứu và xử trí kịp thời đóng vai trò quan trọng.
Các triệu chứng đột quỵ rất dễ thấy vì chúng xảy ra nhanh, chúng ta có thể nhận biết qua các dấu hiệu như mất thăng bằng, mặt đau đầu, chóng mặt; nhìn không rõ đột ngột ở một hoặc cả hai mắt; khuôn mặt tự nhiên bị méo, nụ cười méo một bên, nhân trung bị lệch; một bên tay chân bị yếu, cầm nắm đồ không chắc, mất khả năng nói, đột nhiên khó nói, nói ngọng.
“Nếu người nhà, hoặc bản thân bạn có những dấu hiệu trên thì hãy nghĩ ngay đến việc có thể bị đột quỵ, cần đến viện thăm khám để được điều trị,” bác sĩ Vinh nói.
Có gia đình khi phát hiện người nhà xuất hiện các dấu hiệu nghi đột quỵ não đã cho bệnh nhân uống một số loại thuốc được đồn giúp chữa khỏi. Chuyên gia khuyên tuyệt đối không tự ý cho uống hay dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Nếu người bệnh bị chảy máu não, việc tự ý cho dùng thuốc có thể dẫn tới rối loạn đông máu, tăng kích thước khối máu tụ, dẫn tới tình trạng bệnh nặng lên, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Ngoài ra, việc tự ý cho dùng thuốc có thể làm sặc vào đường hô hấp dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng, kéo dài thời gian cấp cứu người bệnh, hoặc gây ra chống chỉ định của các phương pháp điều trị tái thông.
Các biện pháp dân gian như cạo gió, chích máu cũng không nên thực hiện, vì không có cơ sở khoa học cho thấy các biện pháp này có thể giúp giảm nhẹ hay hồi phục người bệnh bị đột quỵ não. Việc chích máu hay cạo gió chỉ kéo dài thêm thời gian cấp cứu người bệnh, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nhiều nhà khi thấy người thân có dấu hiệu đột quỵ thì lại chờ bệnh nhân ổn định mới đưa đi viện. Bác sĩ khuyến cáo, với trường hợp bị đột quỵ não nặng, rơi vào tình trạng hôn mê cần ngay lập tức được đưa đi viện sớm. Đa số mọi người lại sợ đưa đi như vậy máu chảy nhiều hơn, nguy cơ tử vong nhanh hơn và chờ bệnh nhân ổn định mới đưa tới viện. Đây là sai lầm nghiêm trọng khiến bệnh nhân mất đi cơ hội được điều trị kịp thời.
Giờ vàng điều trị đột quỵ tùy phương pháp sẽ ở trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 giờ. Với người bệnh đưa đến sớm trong khoảng từ 3 đến 4,5 giờ tính từ khi bị đột quỵ, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông. Ngoài ra, một phương pháp khác là đưa dụng cụ chuyên dụng vào vùng tổn thương để lấy cục máu đông ra và chỉ định này chỉ có thời gian trong vòng 6 giờ từ khi bị đột quỵ.