Dự án trùng tu Chùa Cầu có thể nhận giải thưởng quốc tế
Trước làn sóng phản đối của dư luận, nhiều chuyên gia đã lên tiếng giải thích về quy trình trùng tu di tích Chùa Cầu (Hội An). Nhiều chuyên gia khẳng định dự án trùng tu di tích Chùa Cầu được thực hiện khoa học, bài bản, thận trọng nhất từ trước tới nay, thậm chí có thể nhận được những giải thưởng quốc tế.
Dự án trùng tu bài bản, thận trọng
Những ngày gần đây, di tích Chùa Cầu (Hội An) gây tranh cãi khi khoác lên chiếc áo mới tươi tắn hơn. Nhiều người cho rằng không nhận ra di tích này bởi nó mất đi vẻ rêu phong, cổ kính. Trước làn sóng phản đối của dư luận, nhiều chuyên gia đã lên tiếng.
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - khẳng định dự án trùng tu di tích Chùa Cầu là dự án trùng tu được thực hiện khoa học, bài bản, thận trọng nhất từ trước tới nay.
Các chuyên gia cho rằng dự án trùng tu di tích Chùa Cầu được thực hiện khoa học, bài bản, thận trọng. Ảnh: Hoài Văn.
Dự án này có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước địa phương, các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia quốc tế triển với quy trình nghiêm ngặt, cụ thể.
"Những người thực hiện trải qua quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án, hạ giải thi công, làm nhà bao che, thi công... lên tới 5 năm. Chưa có dự án tu bổ di tích nào tổ chức 5-6 hội thảo khoa học bàn về quá trình tu bổ di tích này từ việc hạ giải hay không, khi trùng tu làm mặt cầu cong hay không… Khi thực hiện trùng tu, nhà bao che công trình cho phép du khách, người dân quan sát quá trình tháo dỡ, tu bổ di tích. Hiếm thấy dự án tu bổ ở Việt Nam làm được điều này", PGS.TS Đặng Văn Bài nêu.
Xung quanh những phản ánh trên mạng xã hội, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh sau khi trùng tu, hạ giải, không thể vừa có cấu kiện mới vừa có vẻ rêu phong. Sau khi trùng tu, di tích cần được đưa về màu gốc khi nghiên cứu, phát hiện xưa kia.
PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh sau khi trùng tu, hạ giải, không thể vừa có cấu kiện mới vừa có vẻ rêu phong.
"Rêu phong tạo ra vẻ cổ xưa, hoài niệm nhưng lại là yếu tố gây hại cho di tích, di sản. Sau khi quét sơn nhìn như mới nhưng vài năm sau với điều kiện thời tiết Việt Nam, di tích sẽ rêu phong trở lại. Nếu đã quét lại sơn, di tích trông sẽ mới. Việc quét sơn được thực hiện dựa trên những nghiên cứu rõ ràng, không phải ai thích thì làm nấy", PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.
Với dự án trùng tu bài bản, thận trọng này, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng trong tương lai, dự án trùng tu Chùa Cầu có thể nhận được những giải thưởng quốc tế. Trước đó, Hội An đã nhận được giải thưởng với đề án bảo tồn phố cổ. Dự án trùng tu Chùa Cầu nếu được trình bày bài bản có khả năng nhận được giải thưởng.
Minh bạch hóa quá trình trùng tu
Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) - cho rằng sau trùng tu, di tích Chùa Cầu không lệch tông so với tổng thể kiến trúc khu vực Hội An, Quảng Nam.
Ông Lân khẳng định công trình được sơn lại khiến nhiều người có ấn tượng về thị giác như sự tươi mới, sạch sẽ. Tuy nhiên, những màu sắc được sử dụng để trùng tu Chùa Cầu là màu của di tích và phù hợp với phong cách công trình kiến trúc cổ nơi đây.
Sau trùng tu, di tích Chùa Cầu không lệch tông so với tổng thể kiến trúc khu vực Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Hoài Văn.
Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân lý giải một số nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi sau khi trùng tu một số tích ở Việt Nam. Đặc thù của những công trình ở Việt Nam và một số nước Đông Á là sử dụng vữa trát tường, phủ sơn. Vì vậy, khi trùng tu, tôn tạo, đặc biệt là quét sơn không thể tránh được "cảm giác mới".
"Vật liệu sơn không có cách nào làm nó ở dạng cũ, ngoại trừ trường hợp tô vẽ lên, tạo sự cổ kính giả. Tôi không quá đồng tình với hành động này bởi việc tạo những dấu ấn thời gian đang làm sai lệch tính nguyên gốc của di tích", KTS Trương Ngọc Lân nêu.
Công trình ở một số nước Đông Á cùng sử dụng vật liệu như ở Việt Nam sau khi trùng tu nhìn cũng rất mới. "Nếu du lịch sẽ thấy các công trình, di tích ở Nhật luôn trông như mới dù có hàng trăm năm tuổi đời", KTS Trương Ngọc Lân nêu.
Do đặc thù của những công trình, di tích ở Việt Nam là sử dụng vữa trát tường, phủ sơn nên sau khi trùng tu, tôn tạo, quét sơn không tránh được "cảm giác mới".
Khi được hỏi có nên trưng cầu ý dân để tránh những tranh cãi không cần thiết sau trùng tu di tích, ông Trương Ngọc Lân thẳng thắn đây là công việc mang tính khoa học, không phải vấn đề có thể đưa ra biểu quyết, đo đếm mức độ đồng thuận cao hay thấp.
Ở một số nước trên thế giới, quá trình trình tu được thể hiện rất minh bạch, công khai. Khi trùng tu Nhà thờ Đức Bà (Pháp), một cuộc triển lãm riêng được tổ chức để giới thiệu riêng về phương thức trùng tu, quá trình trùng tu một cách rõ ràng, cặn kẽ. Ở Nhật, khi trùng tu di tích đã dựng nhà bao che công trình bằng kính để người dân thấy rõ từng công đoạn trùng tu, tôn tạo di tích.