Vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở tại Ngân hàng chính sách xã hội
Việc vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà ở nhà ở đối với các đối tượng được hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 100/2024/NĐ-CP.
Vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở tại Ngân hàng chính sách xã hội (Hình từ Internet)
Vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở tại Ngân hàng chính sách xã hội
Theo khoản 5 Điều 77 Luật Nhà ở 2023, các đối tượng sau được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở:
(1) Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
(2) Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.
(3) Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
(4) Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
(5) Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
(6) Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.
(7) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.
(8) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Điều kiện được vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở
Theo Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, các đối tượng để được vay vốn ưu đãi xây dựng, sửa chữa nhà ở thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, điều kiện theo quy định tại Điều 76, Điều 110 Luật Nhà ở 2023.
Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 110 Luật Nhà ở 2023 (có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát); mẫu giấy tờ theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
- Có khả năng trả nợ theo cam kết với tổ chức tín dụng cho vay vốn;
- Có Giấy đề nghị vay vốn để xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở;
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với công trình nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa;
- Có phương án tính toán giá thành, có giấy phép xây dựng đối với trường hợp yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của pháp luật thì được xem xét cho vay vốn phù hợp với thời hạn được tồn tại của công trình;
- Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Mức, thời hạn vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở
Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án sử dụng vốn, tối đa không quá 01 tỷ đồng, có căn cứ suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá xây dựng nhà ở của cấp có thẩm quyền và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Trần Trọng Tín