Ăn đêm có bị đột quỵ?
Nhiều người lo ngại việc ăn đêm có bị đột quỵ không, bài viết dưới đây chuyên gia sẽ giải đáp giúp bạn.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ trên Báo điện tử VnExpress, đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực.
Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ. Do đó, rất khó để kết luận việc một yếu tố nào đó "có gây đột quỵ" hay không.
Tùy theo từng yếu tố và tình trạng của mỗi người mà nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên hoặc giảm ít đi. Đây là lý do tại sao hai người đều vận động thể lực như nhau, nhưng có người lại bị đột quỵ, có người không.
Do đó, ăn đêm có làm tăng nguy cơ đột quỵ hay không còn phụ thuộc vào việc bạn ăn gì và hàm lượng bao nhiêu hơn là thời điểm ăn. Nếu bạn chọn những thực phẩm lành mạnh có nhiều chất dinh dưỡng, ít năng lượng, ăn với một lượng ít vừa đủ có thể giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch nói chung và đột quỵ nói riêng.
Ví dụ, bạn uống một ly sữa nóng và ăn một ít trái cây hay salad hàm lượng đường thấp trước khi đi ngủ có thể làm giảm tình trạng đói bụng, ngủ sâu giấc hơn, cung cấp đủ năng lượng qua một đêm. Ăn quá nhiều gà rán, uống nước ngọt nhiều đường, có thể gây khó tiêu, trào ngược dạ dày, thậm chí khó vào giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài khiến năng lượng dư thừa, tích lũy trong cơ thể, gây bệnh lý.
Tác hại của việc ăn đêm
Báo Lao Động dẫn chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng trên tờ Boldsky chỉ ra một số tác hại của việc ăn đêm.
Dễ gây tăng cân béo phì
Theo nguyên lý sinh học của cơ thể, khi ăn vào ban đêm thức ăn sẽ không được tiêu thụ và hấp thụ ngay mà sẽ tích tụ lại. Nếu ăn xong mà đi ngủ thì cân nặng sẽ tăng nhanh rất nhiều và tình trạng béo phì cũng tăng theo.
Khó ngủ, mất ngủ
Về mặt sinh học, khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc cơ thể bật chế độ nghỉ ngơi. Một người ăn khuya sẽ làm rối loạn giấc ngủ và rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, khiến cơ thể phải tăng cường hoạt động vào ban đêm. Điều đó dễ gây mất ngủ, tăng Cholesterol. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, nếu cảm thấy đói nên ăn những món ăn nhẹ như yến mạch, sữa tách béo, hạn chế nên ăn đồ cay nóng, nhiều đạm hoặc sử dụng những chất kích thích.
Axit dạ dày trào ngược
Bữa ăn đêm kết thúc, đa phần mọi người có xu hướng nằm xuống ngay, điều này dẫn tới tình trạng trào ngược axit gây ra tình trạng đau tức ngực. Vì vậy, nếu ăn đêm nên tránh những thực phẩm chua, cay, chứa nhiều chất béo.
Dễ mắc ung thư ruột già
Ung thư ruột già, hay còn gọi là ung thư đại trực tràng, là tình trạng các tế bào bất thường xuất hiện và phát triển ở niêm mạc ruột già, đại tràng hoặc trực tràng. Cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Khi ăn đêm và những loại thực phẩm khó tiêu, bám vào ruột và lâu dài dễ mắc tình trạng ung thư ruột kết (ung thư trực tràng).
Bệnh tiểu đường và tim mạch
Thói quen ăn đêm dễ dàng dẫn đến mắc các bệnh về tiểu đường và tim mạch nguyên nhân được cho là do đồng hồ sinh học của cơ thể bị phá vỡ, đồng thời làm tăng mức độ màu mỡ trong máu, nếu thường xuyên dẫn đến insulin trong máu giảm, khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn.
Suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ
Ăn khuya làm cho cơ thể phải tập trung tiêu hóa và hấp thụ cả đêm nên không có thời gian hồi phục não bộ và các cơ quan khác, đó là lý do vì sao ăn khuya khi ngủ dậy sẽ có cảm giác mệt mỏi.
Nếu ăn quá no còn gây áp lực lên các bộ phận cơ quan xung quanh dạ dày, dẫn đến tình trạng trí nhớ bị ảnh hưởng và lâu ngày sẽ suy nhược thần kinh.
Ngưng thở khi ngủ
Các nhà nghiên cứu trên thế giới cho biết, triệu chứng ợ nóng, trào ngược axít sẽ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Ăn tối muộn cũng làm cho lượng đường trong máu tăng và lượng cholesterol có thể gây ra tình trạng đột quỵ. Chính vì vậy các chuyên gia khuyên không nên ăn quá nhiều thức ăn vào bữa tối. Đặc biệt nên ăn trước18h hoặc trước giờ ngủ 3 tiếng.