Xung quanh câu chuyện 'hồi sinh' dự án nhà máy ô tô và tận thu 5,5 triệu m3 đất

Theo Quốc Huy 02/08/2024 07:57

Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu nhận lại dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng để “hồi sinh” dự án này hay chỉ để tận thu đất?

Làm dự án hay tận thu khoáng sản?

Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô , máy xây dựng của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa là cái tên đình đám một thời, gắn với ước mơ ô tô made in Việt Nam của ông Bùi Ngọc Huyên. Dự án đã được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến tạo ra những con số đầy hứa hẹn, như sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải, 400 xe buýt và 75.000 tấn phụ tùng ô tô các loại mỗi năm. Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2011 nhưng chỉ sau đó vài năm thì dừng hoạt động và bị bỏ hoang.

photo-1722560357272
Dự án đã bị "chết yểu" sau vài năm triển khai. (Ảnh tư liệu)

Đến năm 2021, dự án “chết yểu” này tưởng chừng như đã được “hồi sinh” khi UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi 456.344 m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa và cho Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê đất để tiếp tục thực hiện dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng.

Không lâu sau đó, vào sáng ngày 22/2/2022, Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuộc Tập đoàn Đầu tư Tài chính (TF Group) đã rầm rộ tổ chức Lễ khởi công Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng. Tới dự Lễ khởi công còn có đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện lãnh đạo huyện Hậu Lộc.

Thông tin tại lễ khởi công, Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu cho biết đã chủ động kết nối với các đối tác tầm cỡ châu lục, tiếp cận và lựa chọn công nghệ, dây chuyền máy móc tiên tiến, hiện đại. Theo thiết kế, công suất sản xuất, lắp ráp dự kiến đạt 6.000 xe/năm cho năm đầu tiên, khi đạt công suất 100% sản lượng dự kiến đạt 30.000 xe/năm. Công ty đặt mục tiêu sản xuất đa dạng gồm: lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin, lắp ráp các loại máy thi công. Thị trường tiêu thụ chủ yếu thuộc khối các quốc gia Đông Nam Á.

photo-1722560413996
Rầm rộ khởi công rồi lại "án binh bất động". (Ảnh tư liệu)

Ngoài ra, mục tiêu tiếp theo là mở rộng dự án ngoài 45,6ha để thực hiện các nhóm sản xuất thuốc đông dược, gia công tân dược đạt chuẩn; các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn thông minh có dinh dưỡng cao.

Dự án có tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng, giai đoạn I vốn đầu tư 1.993 tỷ đồng, bao gồm các gói san lấp và hạ tầng nhà xưởng. Sau khi hoàn thiện hai giai đoạn và đưa vào sản xuất, công ty này phấn đấu đạt mục tiêu 17 sản phẩm chiến lược, doanh thu ước đạt 12.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 11.000 lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ/năm.

photo-1722560440884
Khung cảnh hoang tàn tại dự án nghìn tỷ. (Ảnh: QH)

Tầm nhìn, khát vọng là vậy, thế nhưng sau lễ khởi công rầm rộ thì dự án này lại “án binh bất động”, các hoạt động triển khai dự án dường như chỉ dừng lại ở việc loay hoay đi xin tận thu hơn 5,5 triệu m3 đất, một khối lượng đất rất lớn, lớn hơn trữ lượng trung bình của một mỏ đất thông thường.

Có lẽ trước khi nhận lại dự án “khó nhằn” này, Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu đã phải tính toán rất kỹ lưỡng, bởi lẽ doanh nghiệp này là một cái tên xa lạ trong ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng.

Loay hoay xin tận thu 5,5 triệu m3 đất

Theo tài liệu mà phóng viên Báo Công Thương có được, sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê đất vào năm 2021, ngày 22/5/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 1713/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng. Đến ngày 9/10/2023, UBND huyện Hậu Lộc đã cấp giấy phép xây dựng số 53/GPXD; trong đó hạng mục san nền có khối lượng đất đào cần vận chuyển ra khỏi dự án là hơn 5,5 triệu m3 đất, không xác định vị trí đổ thải.

Ba ngày sau đó (12/10/2023), doanh nghiệp này đã ký kết hợp đồng nguyên tắc số 12/HĐNT/2023 thi công gói thầu san lấp, chuẩn bị mặt bằng dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với Công ty TNHH Nguyễn Mạnh Tiến. Ngay sau đó 1 ngày, Công ty TNHH Nguyễn Mạnh Tiến đã có nộp hồ sơ đề nghị khai thác hơn 5,5 triệu m3 đất với công suất khai thác 2,77 triệu m3/năm, thời gian khai thác 2 năm.

Vì một lý do nào đó, ngày 27/12/2023, Công ty TNHH Nguyễn Mạnh Tiến lại có văn bản số 2711/CV-NT xin được khai thác đất san lấp trong phạm vi 12,88 ha (khu vực xây dựng khu điều hành – dịch vụ và khu xưởng sản xuất) với khối lượng 952 nghìn m3 trong thời hạn 1 năm.

photo-1722560468408
Loay hoay xin tận thu 5,5 triệu m3 đất. (Ảnh tư liệu)

Sau khi nghiên cứu đề nghị trên, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa thể đưa ra ý kiến tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa nên phải xin ý kiến của Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và sau đó đưa ra nhận định, để được cấp phép khai thác khoáng sản trong khu vực thực hiện dự án, đơn vị thi công sẽ phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khối lượng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, trong đó Phương án cải tạo, phục hồi môi trường sẽ là một nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cũng theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, khối lượng đất thừa cần xúc bốc, vận chuyển ra khỏi dự án là khoảng 5,5 triệu m3, trong khi đó tiến độ thực hiện dự án chỉ còn đến ngày 27/1/2025 vì vậy việc thực hiện là không khả thi. Theo tính toán, khối lượng đất cần vận chuyển đến ngày 27/1/2025 là 476 nghìn m3.

Sau khi nhận được văn bản tham mưu, ngày 13/7/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 10024/UBND-CN về việc; trước mắt, chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Nguyễn Mạnh Tiến lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp ở khu vực thực hiện dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại huyện Hậu Lộc với khối lượng 476 nghìn m3 trên phần diện tích 12,88 ha với mục đích để cung cấp vật liệu san lấp cho các công trình, dự án có nhu cầu.

photo-1722560504237
Không rõ Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu đang tính toán điều gì khi chỉ loay hoay tìm cách xin tận thu đất. (Ảnh: QH)

Chưa cần phân tích đến tình hình tài chính cũng như hoạt động liên quan ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng của Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu, chỉ cần theo như diễn biến của cả quá trình thực hiện dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng từ khi nhận lại dự án, có thể nhận thấy dự án này gần như chưa triển khai được gì và dĩ nhiên là chưa đạt được như kỳ vọng mà chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa mong đợi. Bức tranh tạo việc làm cho 11.000 lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ/năm chưa thấy đâu mà chỉ thấy doanh nghiệp này loay hoay đi xin tận thu đất mãi không xong.

So sánh với số liệu: Tỉnh Thanh Hóa hiện đã cấp 45 giấy phép với công suất khai thác khoảng 4,55 triệu m3/năm và từ năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 34 mỏ đất san lấp với trữ lượng dự báo chỉ khoảng 55,6 triệu m3 thì 5,5 triệu m3 cần tận thu tại dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng của Công ty cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thực sự là một “con số khủng”, hơn cả công suất khai thác 1 năm của cả tỉnh Thanh Hóa. Và với khối lượng đất nói trên, nếu được đưa ra đấu giá công khai sẽ thu về nguồn ngân sách rất lớn cho địa phương.

Theo Quốc Huy