Lý do dự án xử lý cấp bách hơn 180 tỷ làm kiểu 'rùa bò'
Dự án xử lý cấp bách đê Tả Nghèn, Hà Tĩnh được đầu tư hơn 180 tỷ đồng song nhiều năm thi công vẫn dang dở. Ngành chức năng đã chỉ ra những vướng mắc và khó khăn trong xử lý mặt bằng của dự án.
Là dự án xử lý cấp bách, được đầu tư hơn 180 tỷ đồng, nhằm mục tiêu ứng phó thiên tai, bão lũ, ngăn mặn và bảo vệ trực tiếp tính mạng, tài sản của hàng nghìn hộ dân song dự án đê Tả Nghèn nhiều năm vẫn dở dang, đứt đoạn, khiến người dân địa phương “đứng ngồi không yên”. Họ lo lắng nguy cơ xảy ra lũ lụt, xâm nhập mặn khi mùa mưa bão đến gần.
Trước vấn đề này, UBND huyện Lộc Hà và ngành chức năng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân khiến đoạn đê khoảng 700m qua địa bàn làm mãi không xong.
Ông Trần Phi Long - Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà - cho biết, tuyến đê hiện còn 700m chưa thể thi công do gặp vướng mắc về mặt bằng của 4 hộ nuôi trồng thủy sản trong đê.
“Các hộ đồng tình với việc thu hồi đất để triển khai dự án nhưng mong muốn được hỗ trợ tài sản đã đầu tư trên đất. Lãnh đạo tỉnh và sở, ngành đã về kiểm tra, họp bàn nhiều lần song chưa có phương án xử lý dứt điểm do chưa có quy định hay chính sách hỗ trợ phù hợp với các hộ dân”, ông Long nói.
Báo cáo đến ngành chức năng, ông Nguyễn Văn An - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà - nêu vướng mắc liên quan đến việc giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công tuyến đê không chỉ nằm ở người dân mà còn do UBND xã Thạch Bằng cũ (nay là UBND thị trấn Lộc Hà) và UBND xã Thạch Châu thời điểm đó đã thực hiện quản lý đất đai chưa đúng, cho thuê đất chưa đúng thẩm quyền.
Khi huyện Lộc Hà làm việc, yêu cầu 2 địa phương trên sớm thông báo cho các hộ dân có vướng mắc ngừng sản xuất, không triển khai các hạng mục và bàn giao mặt bằng cho dự án song cả 2 đơn vị này chưa thực hiện đúng chỉ đạo.
Lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà cũng nêu khó khăn cho các hộ dân trong quá trình nuôi trồng thủy sản đã đầu tư đào đắp, tôn tạo, xây dựng hệ thống nhà nuôi, lắp máy móc công nghệ cao với kinh phí lớn. Đây cũng là nguồn thu chính của người dân nên khi thu hồi đất cần có quy định và hỗ trợ phù hợp.
“Hội đồng bồi thường hỗ trợ GPMB đã kiểm kê, áp giá tài sản, máy móc trên đất cho các hộ dân với số tiền bị ảnh hưởng hơn 11 tỷ đồng nhưng do chưa có căn cứ để bồi thường, hỗ trợ nên chưa thực hiện. Huyện cũng đề nghị sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cho phép địa phương áp dụng hỗ trợ tài sản trên đất của các hộ ảnh hưởng trong phạm vi GPMB để sớm có mặt bằng, bàn giao cho dự án tiếp tục thi công, hoàn thành”, lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà thông tin.
Người dân thấp thỏm vì dự án xử lý cấp bách làm mãi không xong.
Trước đó, báo Tiền Phong phản ánh về dự án Xử lý cấp bách đê Tả Nghèn, đoạn qua huyện Lộc Hà ( Hà Tĩnh ) thi công mãi không xong. Công trình này có tổng chiều dài hơn 10km, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 9/2021, do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư với nguồn vốn hơn 182 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, hiện còn 700m đoạn đê qua thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) thi công đứt đoạn , dở dang. Gần một năm nay, nhà thầu đã ngừng thi công, máy móc, nhân lực không xuất hiện trên công trường. Người dân địa phương cho biết việc tuyến đê chưa hoàn thành xây dựng gây khó khăn cho việc đi lại và ảnh hưởng tính mạng, tài sản người dân trước mùa mưa bão.