Những xét nghiệm cần nhịn ăn
Nhiều người băn khoăn có cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu hay không và nếu cần thì nhịn ăn trong bao lâu.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi chuẩn bị thực hiện các xét nghiệm y khoa, việc tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ là rất quan trọng để đảm bảo kết quả chính xác.
Một số xét nghiệm chỉ cho kết quả chính xác khi người bệnh nhịn ăn 8-12h trước khi làm xét nghiệm hoặc không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy. Nguyên nhân, sau khi ăn, chất dinh dưỡng trong thức ăn sẽ chuyển hóa thành đường glucose để ruột hấp thụ và biến đổi thành năng lượng để nuôi cơ thể. Khi đó, sẽ làm cho lượng đường hoặc mỡ trong máu tăng cao, nếu làm xét nghiệm máu sẽ cho kết quả không chính xác.
Dưới đây là những xét nghiệm phổ biến mà bạn cần phải nhịn ăn:
Xét nghiệm đường huyết
Nếu bạn muốn xét nghiệm đường huyết nhằm mục đích đo lượng đường trong máu để đánh giá có bình thường không, hay để chẩn đoán bệnh tiểu đường bạn cần nhịn ăn.
Để đảm bảo kết quả được chính xác, người bệnh cần nhịn ăn hoặc uống (trừ nước) trong 8-10h trước khi làm xét nghiệm. Việc nhịn ăn giúp đảm bảo kết quả ghi nhận chính xác lượng đường trong máu. Kết quả này được bác sĩ dùng để chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm chức năng gan
Người bệnh muốn xét nghiệm đánh giá chức năng của gan, kiểm tra các enzym gan và các chất khác như bilirubin, cần nhịn ăn từ 8-12h trước khi lấy mẫu máu.
Xét nghiệm chức năng thận
Nếu bạn muốn đo lường mức độ creatinine và urea trong máu để đánh giá chức năng thận, cần nhịn ăn từ 8-12h trước khi lấy mẫu máu.
Xét nghiệm Axit Uric
Người bệnh thực hiện xét nghiệm để đo lường nồng độ axit uric trong máu, giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh gout cần nhịn ăn từ 8-12h trước khi lấy mẫu máu.
Xét nghiệm nội tiết tố
Bệnh nhân cần nhịn ăn từ 8-12h trước khi lấy máu để đo nồng độ các hormone như insulin, cortisol, và các hormone tuyến giáp.
Xét nghiệm mỡ máu
Người bệnh cần xét nghiệm để đánh giá tình trạng mỡ trong máu, bao gồm cholesterol toàn phần, HDL cholesterol, LDL cholesterol và triglyceride. Nếu lượng LDL-cholesterol và triglyceride tăng cao, cho thấy người bệnh nguy cơ cao gặp các vấn đề về tim mạch.
Tương tự xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm mỡ máu cũng yêu cầu bệnh nhân phải nhịn đói từ 8-10h trước khi xét nghiệm vì thức ăn có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Xét nghiệm Sắt và Ferritin
Bệnh nhân đến bệnh viện để xét nghiệm đo nồng độ sắt và ferritin trong máu, nhằm chẩn đoán thiếu máu và các rối loạn liên quan đến sắt cần nhịn ăn.
Một số loại thực phẩm chứa sắt, khi ăn vào, sắt được hấp thụ rất nhanh từ thực phẩm vào máu. Vì vậy, nếu ăn trước khi xét nghiệm sắt, kết quả sẽ không chính xác. Do đó, cần tránh sử dụng các thực phẩm chức năng hay vitamin trước khi xét nghiệm, vì chúng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.
Để đảm bảo kết quả chính xác, bệnh nhân được yêu cầu không ăn bất cứ thứ gì vào buổi sáng trước khi làm xét nghiệm. Nếu đang uống viên sắt hoặc thuốc bổ vitamin tổng hợp có chứa sắt, bạn nên ngưng sử dụng trong 24h trước khi xét nghiệm để không ảnh hưởng đến kết quả.
Lưu ý
Bác sĩ Lê Văn Thiệu lưu ý rằng khi nhịn ăn trước xét nghiệm, bạn có thể uống nước lọc nhưng nên tránh các loại đồ uống có chứa calo như nước trái cây, sữa, và cà phê. Nếu bạn đang dùng thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem có cần phải ngừng thuốc trước khi xét nghiệm không. Đảm bảo tuân thủ đúng thời gian nhịn ăn mà bác sĩ yêu cầu là rất quan trọng vì việc không tuân thủ có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Việc nhịn ăn trước các xét nghiệm y khoa không chỉ giúp đảm bảo kết quả chính xác mà còn giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh một cách hiệu quả. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về việc nhịn ăn trước xét nghiệm, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chi tiết. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ các chỉ dẫn sẽ giúp bạn có một quá trình xét nghiệm thuận lợi và đạt kết quả tốt nhất.