Thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp trong vận chuyển hàng không quốc tế
Bài viết sau có nội dung về thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp trong vận chuyển hàng không quốc tế trong Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp trong vận chuyển hàng không quốc tế (Hình từ Internet)
1. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp trong vận chuyển hàng không quốc tế
Theo quy định tại Điều 172 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp trong vận chuyển hàng không quốc tế như sau:
- Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế hành khách, hành lý, hàng hóa theo lựa chọn của người khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
+ Người vận chuyển có trụ sở chính hoặc địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam;
+ Người vận chuyển có địa điểm kinh doanh và giao kết hợp đồng vận chuyển tại Việt Nam;
+ Việt Nam là địa điểm đến của hành trình vận chuyển.
- Hợp đồng vận chuyển quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 172 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 là hợp đồng vận chuyển mà theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng, địa điểm xuất phát và địa điểm đến trên lãnh thổ của hai quốc gia hoặc trên lãnh thổ của một quốc gia nhưng có địa điểm dừng thỏa thuận trên lãnh thổ của một quốc gia khác, không kể có gián đoạn trong vận chuyển hoặc chuyển tải.
- Đối với tranh chấp về thiệt hại xảy ra trong trường hợp hành khách bị chết hoặc bị thương thì ngoài quy định tại khoản 1 Điều 172 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp hành khách có nơi cư trú chính và thường xuyên tại Việt Nam vào thời điểm xảy ra tai nạn, với điều kiện:
+ Người vận chuyển có hoạt động khai thác vận chuyển hành khách trực tiếp bằng tàu bay của mình hoặc bằng tàu bay của người vận chuyển khách theo hợp đồng giao kết giữa những người vận chuyển về việc liên danh khai thác các chuyến bay vận chuyển hành khách;
+ Người vận chuyển sử dụng trụ sở của mình hoặc trụ sở của người vận chuyển khác có hợp đồng liên danh giao kết với mình để kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không tại Việt Nam.
- Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và pháp luật về tố tụng dân sự của Việt Nam.
2. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp trong vận chuyển hàng không bằng Trọng tài
Việc giải quyết tranh chấp trong vận chuyển hàng không bằng Trọng tài được quy định cụ thể tại Điều 173 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 như sau:
- Các bên của hợp đồng vận chuyển hàng hóa có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp phát sinh bằng Trọng tài. Thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản.
- Đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển, việc giải quyết bằng Trọng tài tại Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 172 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
- Quy định tại khoản 2 Điều 172 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 được coi là một phần của bất kỳ điều khoản hoặc thỏa thuận trọng tài nào. Mọi điều khoản và thỏa thuận trọng tài trái với quy định tại Điều 173 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 đều bị coi là vô hiệu.
3. Thời hiệu khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển hàng không
Thời hiệu khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với thiệt hại xảy ra cho hành khách, hành lý, hàng hóa là hai năm, kể từ ngày tàu bay đến địa điểm đến, ngày tàu bay phải đến địa điểm đến hoặc từ ngày việc vận chuyển bị chấm dứt, tùy thuộc vào thời điểm nào muộn nhất.
Theo quy định tại Điều 174 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006