Rối loạn tiền đình có nguy hiểm?
Tỷ lệ mắc chứng bệnh rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng, ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều hơn độ tuổi trưởng thành.
BBS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 cho biết, rối loạn tiền đình ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trưởng thành. Bệnh không chỉ gây khó khăn trong công việc và cuộc sống hàng ngày mà còn tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm.
Khi mắc rối loạn tiền đình người bệnh thường mất thăng bằng nên khó khăn khi đi lại, cảm thấy như bị chao đảo, quay cuồng, khó đứng lên ngồi xuống, thậm chí có người không thể đứng lên được. Lý do gây nên điều này là dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương hoặc hệ thần kinh của não bộ bị chèn ép. Đa phần các trường hợp sau khi được nghỉ ngơi thì các dấu hiệu trên cũng chấm dứt.
Người bị rối loạn tiền đình thường xuyên có các cơn đau đầu gây cản trở đến khả năng tập trung khi làm việc, hệ lụy là số lượng và chất lượng công việc bị suy giảm. Dễ nảy sinh tâm lý bực tức, nóng giận với những người xung quanh. Người bệnh có thể mất ngủ, mất ý thức, ngất xỉu do lượng máu lưu thông lên não bị suy giảm, rối loạn chức năng tim, huyết áp tụt, thậm chí là đột quỵ, mất ý thức.
Theo bác sĩ Vũ, nhiều người nhầm lẫn rối loạn tiền đình với thiểu năng tuần hoàn não, do cả hai có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
Thiểu năng tuần hoàn não do giảm lượng máu nuôi não từ các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, xơ cứng mạch não, và rối loạn nhịp tim. Trong khi đó rối loạn tiền đình gây mất cân bằng do tuần hoàn não kém, nhiễm trùng não, viêm tai giữa, hoặc thay đổi thời tiết.
Các nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình có thể kể đến như:
- Căng thẳng thần kinh kéo dài.
- Làm việc trong môi trường ít vận động, ngồi lâu trước máy tính.
- Áp lực kinh tế và công việc.
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: nhịn ăn sáng, ít tập thể dục, uống nhiều rượu bia và nước có gas.
Bác sĩ Vũ chia sẻ, để cải thiện lưu lượng máu lên não và tăng cường sức khỏe, người bị rối loạn tiền đình nên: Ăn nhiều rau lá xanh, cải xoăn, cải rổ, bông cải xanh; Bổ sung omega-3 từ cá và hạt óc chó, ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng như việt quất; Sử dụng các loại thảo dược như bạch quả để tăng cường tuần hoàn não; Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và sắt như rau củ, trái cây, trứng, đậu nành.
Ngoài ra, căng thẳng có thể gây ra rối loạn tiền đình, người bệnh nên thực hành yoga, thiền, hoặc các bài tập thư giãn, tạm ngưng công việc, đi du lịch để giảm stress. Nên tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
Vị chuyên gia cho biết, bệnh rối loạn tiền đình không di truyền nhưng căng thẳng hoặc tổn thương thực thể có thể gây bệnh. Khi có triệu chứng, cần phải đi khám ngay.