Người đàn ông 41 tuổi Thanh Hóa tử vong sau khi ăn món ăn tự tay mình chế biến
3 ngày sau khi ăn món lòng lợn tiết canh tự tay chế biến, người đàn ông ở Thanh Hóa xuấ hiện triệu chứng sốt, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái sưng bầm tím...
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, vừa qua một bệnh nhân là anh L.Đ.T. (41 tuổi), ở xã Quảng Hải (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã tử vong do nhiễm liên cầu lợn.
Được biết, bệnh nhân L.Đ.T. khởi phát triệu chứng từ 23/7/2024, được người thân đưa vào đi bệnh viện chữa trị. Mặc dù được các y, bác sĩ của bệnh viện nỗ lực cứu chữa, nhưng đến ngày 2/8, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Theo lời kể của người thân sáng ngày 19/7, bố anh T. mua lòng lợn và tiết ngoài chợ về để chế biến món ăn. Anh T. tự làm tiết canh và ăn ngay sau đó. Ba ngày sau, anh đến trạm y tế xã khám với triệu chứng sốt, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái sưng bầm tím.
Tại đây, nhân viên y tế nghi ngờ anh T. bị nhiễm trùng máu nên chuyển ngay bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn nên được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Đến ngày 2/8, bệnh nhân T. tử vong.
Làm gì để phòng nhiễm liên cầu lợn?
Liên cầu lợn là một vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Vi khuẩn này có 35 type huyết thanh, trong đó type 2 có độc lực cao nhất và thường gây bệnh ở người.
Người nhiễm bệnh chủ yếu do thói quen ăn uống như dùng các sản phẩm của lợn sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm tiết và nội tạng lợn. Ngoài ra, người giết mổ, chế biến các món ăn từ lợn mang vi khuẩn cũng có thể nhiễm bệnh.
Triệu chứng khi nhiễm bệnh như sốt, đau đầu, điếc tai, nôn mửa, rối loạn tri giác, cứng gáy, xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử. Bệnh này gây viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn với suy đa cơ quan, viêm nội tâm mạc và viêm khớp.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao. Nếu được cứu sống, người bệnh có thể bị di chứng nặng nề như bị mất thính lực vĩnh viễn (điếc) và rối loạn tiền đình.
Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu lợn ở người. Vì vậy, việc phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo an toàn lao động trong chăn nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến, ăn các sản phẩm của lợn được chế biến chín, không ăn tiết canh, lợn ốm, chết.