Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên 21 năm tù
Được xác định là chủ mưu, cầm đầu hành vi phạm tội, VKS đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.
Tiếp tục cập nhật...
Sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, 14h hôm nay (ngày 5/8), TAND TP Hà Nội bước vào phần tuyên án 50 bị cáo trong vụ "Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Chiều nay, như những ngày trước, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC ra tòa với áo sơ mi trắng. An ninh tại phiên tòa được thắt chặt.
Đúng 14h, TAND Hà Nội bắt đầu phần công bố bản án sơ thẩm với cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm. HĐXX cho rằng đã xét toàn diện vai trò của từng bị cáo, tính chất mức độ phạm tội, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh phạm tội và ý thức khắc phục hậu quả.
HĐXX cũng đánh giá hành vi vi phạm của các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga,... là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. "Bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu tổ chức, các bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế là đồng phạm giúp sức tích cực", Dân trí dẫn lời HĐXX.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.
Trước đó, hôm 26/7, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đề nghị mức án cho bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 24 - 26 năm tù về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán", với hậu quả phải chịu trách nhiệm là hơn 4.300 tỷ đồng.
Đây là mức án nặng nhất trong 50 bị cáo với đánh giá cựu Chủ tịch FLC là chủ mưu, cầm đầu hành vi phạm tội.
Cùng tội danh như anh, 2 em gái của Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (SN 1981, cán bộ ban kế toán Tập đoàn FLC) bị đề nghị 17 - 19 năm tù và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (SN 1979, phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS) bị đề nghị 10 - 12 năm tù.
Mặc dù được nhận định là có thái độ hợp tác, có nguyện vọng khắc phục hậu quả bằng việc ngoài các tài sản bị phong tỏa, bị cáo đã nộp số tiền bán hãng hàng không Bamboo Airways với giá khoảng 700 tỷ đồng (mới thu về gần 200 tỷ đồng). Tuy nhiên, VKS nhận định số tiền trên là "không đáng kể" so với thiệt hại của vụ án.
"Tổng số tiền chỉ khoảng 5% tổng thiệt hại, không đáng kể so với thiệt hại mà hành vi đặc biệt lớn các bị cáo gây ra, hơn 4.300 tỷ đồng ", VnExpress dẫn lời VKS đối đáp hôm 26/7 và cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc với cựu Chủ tịch FLC.
Cựu Chủ tịch FLC là chủ mưu, cầm đầu hành vi phạm tội
Tại phần tranh luận hôm 29/7, TTXVN dẫn lời đại diện Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chính trong việc tổ chức, quyết định nâng vốn góp khống; niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, bán cổ phiếu chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.
Ngoài ra ông Quyết cũng được cáo buộc là chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo thao túng thị trường chứng khoán, thu lời bất chính với số tiền hơn 684 tỷ đồng. "Đây là hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán; làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán Việt Nam", TTXVN dẫn lời đại diện VKS.
Cụ thể, thông tin trên VTV News cho hay, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros (đang bỏ trốn), và Trịnh Thị Minh Huế tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sau đó, cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HOSE đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS. Từ đây, bị cáo Quyết bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng.
Ngoài cáo buộc trên, VKS còn xác định Trịnh Văn Quyết mượn của nhiều người đứng tên mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ các cổ phiếu đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC. Sau đó, bị cáo cùng các đồng phạm thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi 723 tỷ đồng.