Tiến bộ di truyền trong ung thư giúp việc điều trị hiệu quả hơn
GĐXH – Các can thiệp di truyền ngày càng được ứng dụng nhiều, trong đó có cả ứng dụng trong điều trị các bệnh khó như ung thư. Tại Đại hội lần thứ 2 của Hội Di truyền Y học Việt Nam, một số tiến bộ di truyền trong ung thư giúp việc điều trị hiệu quả hơn đã được chia sẻ.
Hội Di truyền Y học Việt Nam vừa tổ chức Đại hội lần thứ 2. Tham dự đại hội có hàng trăm đại biểu đến từ các ban, ngành Trung ương và Hà Nội, các bệnh viện... Tại đại hội đã diễn ra Hội nghị khoa học thiết thực, giúp các nhà khoa học, bác sỹ di truyền, sản khoa, nhi khoa, tim mạch, ung bướu trao đổi kinh nghiệm, hợp tác để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm mới. Qua đây thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực di truyền y học góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhiều tham luận có ý nghĩa khoa học cao và những thông tin mới, giá trị về di truyền y học được trình bày như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ giải trình tự gen thế hệ trong chẩn đoán và cá thể hoá điều trị ung thư đại trực tràng, ung thư phổi; Ứng dụng xét nghiệm đánh giá suy giảm chức năng tái tổ hợp tương đồng cho bệnh nhân ung thư buồng trứng trong điều trị đích; Xu hướng sàng lọc sơ sinh bằng giải trình tự sơ sinh; Tư vấn di truyền trong xét nghiệm di truyền trước làm tổ" hay ‘Hỗ trợ tâm lý trong tư vấn di truyền ung thư"…
PGS. TS. Kim Bảo Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, chuyên ngành di truyền y học đang ngày càng có nhiều đóng góp cho y học. Các hoạt động y sinh học- di truyền đang từng bước góp phần chẩn đoán bệnh, phòng bệnh và là cơ sở điều trị các bệnh lý di truyền.
Những năm gần đây, lĩnh vực di truyền học đã đạt được nhiều bước tiến mới với sự phát triển của các kỹ thuật di truyền, tạo ra nhiều thay đổi lớn trên các lĩnh vực. Đặc biệt là trong y học, việc ứng dụng những thành tựu của di truyền học đã mang đến nhiều đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam ngày càng tốt hơn. Di truyền y học tác động đến tất cả các lĩnh vực y học như: ung bướu, huyết học, tim mạch, hỗ trợ sinh sản.
PGS.TS Trần Đức Phấn - Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam cũng chia sẻ, những tiến bộ về kỹ thuật di truyền đã tạo bước tiến lớn trong điều trị các bệnh quan trọng như ung thư. Trong đó có liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp điều hòa miễn dịch và liệu pháp gen. Các can thiệp di truyền ngày càng được ứng dụng nhiều, trong đó có cả ứng dụng trong điều trị các bệnh khó như ung thư.
Một số tiến bộ về di truyền trong ung thư hiện nay là: Gen trị liệu là oligonucleotide; Liệu pháp virus ly giải ung thư; Liệu pháp tế bào và mô; Vaccin phòng chống ung thư và các can thiệp di truyền trong ung thư, đặ biệt các phương pháo sửa dụng CRISPR-Cas9.
Theo PGS.TS Trần Đức Phấn, các can thiệp di truyền đã và đang từng bước hình thành. Đây sẽ là một hướng phát triển trong tương lai. Liệu pháp gen và liệu pháp phân tử nhắm mục tiêu cung cấp các kết quả lâm sàng và điều trị ung thư mà trước đây không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, hóa trị cổ điển gây độc toàn thân, không may là chưa bao giờ thất bại hiện chưa thể thay thế hoàn toàn. Ưu thế của các phương pháp mới tùy thuộc vào các mục tiêu phân tử có liên quan và những tác động phụ do các phản ứng miễn dịch của từng cá nhân, không may, thường không đoán trước được. Thực tế trên đặt ra nhiệm vụ cho các nghiên cứu tương lai phải có là các thử nghiệm lâm sàng và quản lý các thuốc; nghiên cứu các phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho cộng đồng rộng nhất có thể.
Ngoài ra, hóa trị liệu gây độc tế bào truyền thống và các liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc di truyền mới hiện vẫn thường được sử dụng ở liều lượng gần với mức tối đa, vì vậy các tác dụng không mong muốn có thể sảy ra ở nhiều cấp độ. Với thực tế đó vấn đề cảnh giác dược càng rất cần được chú ý trong điều trị.
Hội Di truyền Y học Việt Nam quy tụ nhiều nhà khoa học, chuyên gia, các bác sỹ trên nhiều lĩnh vực của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tại Đại hội Hội Di truyền Y học Việt Nam lần thứ 2 đã bầu ra ban chấp hành mới với 39 ủy viên và PGS.TS Trần Đức Phấn tái đắc cử được bầu làm chủ tịch Hội.
Nhiệm kỳ này, hướng phát triển của Hội Di truyền Y học Việt Nam là từng bước góp phần cá thể hóa điều trị, phát triển các kỹ thuật chẩn đoán, góp phần điều trị và điều trị hiệu quả các bệnh di truyền để định hướng phát triển ngành; Phối hợp các đơn vị, cá nhân để tăng cường hoạt động di truyền y học; Tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc hàng năm và tổ chức các chuyên đề; Tăng cường đào tạo liên tục, phát triển hội viên và phản biện xã hội.