SCB vừa tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch tại Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Thuận, Vĩnh Long và TP HCM
Kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, SCB đã đóng cửa gần 100 phòng giao dịch trên cả nước, tương đương một nửa số phòng giao dịch mà ngân hàng này có trước đó.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới đây đã thông báo chấm dứt hoạt động 5 phòng giao dịch tại Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Thuận, Vĩnh Long và TP HCM.
Cụ thể, 5 phòng giao dịch SCB đóng cửa từ ngày 24/7 -31/7 gồm: Phòng giao dịch Phòng giao dịch Bãi Cháy - Chi nhánh Quảng Ninh tại Lô 9, Tổ 9, Khu 9 Cái Dăm, Phường Bãi Cháy, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh;
Phòng giao dịch Chương Dương - Chi nhánh Thăng Long tại Khu nhà 319 Bồ Đề, Tổ 10, Phường Bồ Đề, Quận Long Biên, Thành Phố Hà Nội.
Phòng giao dịch Mũi Né - Chi nhánh Bình Thuận tại 345 Huỳnh Thúc Kháng, Khu phố 5, Phường Mũi Né, Thành phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận
Phòng giao dịch Nam Sài Gòn - Chi nhánh 20/10 tại số 51 Khu dân cư Phú Long, phân khu số 8, đường Nguyễn Hữu Thọ, ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM.
Phòng giao dịch Trà Ôn - Chi nhánh Vĩnh Long tại số 20/1 Thống Chế Điều Bát, khu 3, Thị trấn Trà Ôn, Huyện Trà Ôn, Tỉnh Vĩnh Long.
Trước đó, SCB cũng đã chấm dứt hoạt động một loạt phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành vào đầu tháng 7.
Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.
Theo thống kê, kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, SCB đã đóng cửa khoảng 100 phòng giao dịch trên cả nước, tương đương một nửa số phòng giao dịch mà ngân hàng này có trước đó.
SCB khẳng định, việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Đồng thời, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của ngân hàng SCB.
Cách đây gần 2 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.