Hơn 15 triệu tỷ đồng trong ngân hàng: Tiêu gì, 'bơm' vốn ra sao?
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 15 triệu tỷ đồng nằm trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng sẽ làm gì để có thể đẩy mạnh vốn ra thị trường, đặc biệt hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như Thủ tướng yêu cầu?
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao toàn bộ chỉ tiêu cho các ngân hàng để chủ động thực hiện nhằm đạt được mức chung đề ra (khoảng 15%). Dù triển khai nhiều biện pháp nhưng tăng trưởng tín dụng trồi sụt qua các tháng, không như kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng ban đầu khá thấp, ghi nhận mức âm trong 2 tháng đầu năm. Từ cuối tháng 3 đến nay đã tăng trưởng tích cực, cải thiện qua các tháng.
Tính đến ngày 15/6, tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở mức 3,79% so với cuối năm 2023 nhưng đến ngày 28/6 lên mức 6%. Dù vậy, qua tháng 7, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại; tính đến cuối tháng 7/2024, tăng 5,66% so cuối năm 2023. Như vậy với kế hoạch đề ra đầu năm ở mức 15%, các nhà băng sẽ phải đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng những tháng còn lại vào cuối năm khi dư địa tín dụng tăng trưởng còn gần 9%.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm, đại diện Agribank cho biết ngân hàng đưa ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho khách hàng cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh với lãi suất 3,5%/năm. Để đông đảo khách hàng tiếp cận được nguồn vốn của Agribank, đơn vị này cải tiến quy trình, thủ tục cho vay; tiếp tục triển khai các giải pháp công nghệ trong quy trình nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thủ tục.
Lãnh đạo Ngân hàng SHB cho biết, sẽ tiếp tục chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng, cùng tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn, đáp ứng kịp thời (nguồn vốn) phục vụ sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN - cho biết, cơ quan quản lý sẽ thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và cân đối tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống; NHNN sẽ rà soát, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống.
“Thực hiện điều hòa, điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng tích cực, lành mạnh; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống theo định hướng đã đề ra để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế”, ông Tú nhấn mạnh
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho rằng, nếu chỉ có sự nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ; cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Hùng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp , tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng...
Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia tài chính Đại học Nguyễn Trãi - cho biết, để hoàn thành tăng trưởng tín dụng 15%, trong 5 tháng cuối năm cần kết hợp đồng bộ các cơ quản quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.
Vị chuyên gia cho rằng các ngân hàng tích cực tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có các đơn hàng xuất khẩu; cân nhắc xem xét vừa giải ngân trên cơ sở phương án kinh doanh hiệu quả, và dòng tiền tốt, uy tín, chứ không bị phụ thuộc vào giá trị tài sản bảo đảm. Các tổ chức tín dụng tập trung phát triển tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trọn gói giải pháp đồng bộ: Kết nối thị trường, đào tạo huấn luyện phương pháp quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền, sử dụng vốn an toàn hiệu quả thì sẽ góp phần tăng trưởng dư nợ tín dụng bền vững.