Uống cà phê muối mỗi ngày có suy thận?

Nguyễn Mai(tổng hợp) 08/08/2024 10:25

Uống cà phê muối mỗi ngày có suy thận không là thắc mắc của nhiều người.

Báo VnExpress dẫn chia sẻ của bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, cà phê muối gồm cà phê, muối, kem và sữa đặc. Mỗi người có công thức pha khác nhau, sở thích uống mặn hoặc ngọt khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc tình trạng sức khỏe để lựa chọn sử dụng an toàn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi ngày một người không nên tiêu thụ quá 5g muối từ đồ uống cũng như tất cả gia vị, món ăn.

Nếu mỗi ly cà phê cho 1/2 muỗng cà phê, khoảng 2,5g muối thì mỗi ngày chỉ nên uống một ly. Trường hợp cho cả một muỗng cà phê muối, tức 5g muối thì không nên uống. Chỉ uống một ly cà phê này thừa lượng muối cần trong một ngày, chưa kể lượng muối từ các bữa ăn, gia vị.

Trường hợp uống cà phê muối có lượng muối nhiều hơn mức khuyến cáo mỗi ngày dẫn đến thừa muối, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, ung thư dạ dày. Do đó, bạn nên yêu cầu giảm hoặc pha lượng muối phù hợp khi uống để bảo vệ sức khỏe.

Những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, có bệnh gan, thận thì không nên uống cà phê muối. Nhóm này cần ăn nhạt dưới mức khuyến cáo về lượng muối mỗi ngày. Ngoài ra, cà phê muối còn có kem, sữa đặc, không tốt cho người béo phì, thừa cân.

Uống cà phê muối mỗi ngày có suy thận?
Uống cà phê muối mỗi ngày có suy thận?

Ăn mặn ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?

Báo Dân Trí dẫn chia sẻ của PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tiêu thụ nhiều muối sẽ dẫn đến những tác động xấu đối với cơ thể. Qua phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng việc tiêu thụ muối ở mức trung bình hoặc cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, tương tự như ăn nhiều các thực phẩm ngâm giấm/muối chua.

Khi ăn nhiều muối, muối sẽ khiến vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.

Tiêu thụ nhiều muối liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến các bệnh lý về tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy khi giảm 2,5g muối tiêu thụ/ngày thì cũng giảm đến 20% các biến cố tim mạch.

Ăn mặn cũng dẫn đến nhiều thay đổi như tăng huyết áp, tăng protein niệu, stress oxy hóa, rối loạn chức năng nội mô. Các thay đổi này là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tiến triển các bệnh lý về thận.

Đặc biệt, ăn nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ bị thừa cân và béo phì. Lý do, khi ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể bị khát, có thể dẫn đến tăng sử dụng các đồ uống có đường.

Các loại thức ăn chứa nhiều muối thường có nhiều chất béo và đậm độ năng lượng cao, có vị hấp dẫn khiến người ăn sẽ ăn nhiều hơn, làm tăng năng lượng ăn vào gây thừa cân béo phì.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu bạn ăn một bát phở bò tái chín, lượng muối trong đó đủ cung cấp cho cơ thể trong một ngày, với khoảng trên 3,34g muối. Hay như trong bát phở bò sốt vang cung cấp gần 483 kcal, chứa tới 4,6g muối.

Tương tự, trong nhiều món ăn khác, nhất là các món chế biến sẵn (thịt hun khói, bim bim…) đều chứa muối. Với mức khuyến nghị của WHO, không quá 5g muối một ngày, bạn chỉ cần một bữa ăn sáng đã đủ nhu cầu muối cho cơ thể.

Nguyễn Mai(tổng hợp)

Nguyễn Mai(tổng hợp)