Bệnh đậu mùa khỉ: Triệu chứng và cách phòng bệnh
Bài viết sau đây cung cấp thông tin chi tiết về bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) và cách phòng bệnh do Bộ Y tế hướng dẫn.
1. Khái quát về bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do vi rút đậu mùa khỉ gây ra (Monkeypox vi rút, là một vi rút DNA sợi đôi, thuộc chi Orthopoxvirus, họ Poxviridae).
Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục, tiếp xúc với tổn thương da, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong, đặc biệt trên nhóm người bị suy giảm miễn dịch nặng.
Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ có vắc xin phòng bệnh.
Triệu chứng và cách phòng bệnh đậu mùa khỉ (Hình từ Internet)
2. Diễn biến, triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ
* Thể điển hình
Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 3 đến 21 ngày (có thể dao động từ 1 - 40 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Vi rút có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
- Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:
+ Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
+ Tiến triển của ban: tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) đến mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) đến mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng) đến đóng vảy khô đến bong tróc và có thể để lại sẹo.
+ Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 - 1 cm, có thể lớn hơn hoặc tập hợp thành đám.
- Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh mpox thường từ 2 đến 8 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
* Các thể lâm sàng
- Thể không triệu chứng: người nhiễm vi rút mpox không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào.
- Thể nhẹ: các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
- Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
- Các biến chứng:
+ Nhiễm trùng da, niêm mạc: viêm mô tế bào, viêm mô mềm hoại tử.
+ Nhiễm trùng giác mạc.
+ Viêm phổi, suy hô hấp.
+ Viêm não.
+ Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
+ Viêm tắc mạch bạch huyết.
3. Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ
* Phòng bệnh không đặc hiệu: Các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ).
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.
- Cách ly, điều trị người bệnh tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy theo tình trạng bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.
* Phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc xin: Sử dụng vắc xin để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
* Phòng lây nhiễm tại các cơ sở điều trị
Thực hiện nghiêm việc cách ly các trường hợp bệnh nghi ngờ và xác định. Tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với nhân viên y tế, người chăm sóc và người bệnh khác tại các cơ sở điều trị theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
(theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Mpox (Đậu mùa khỉ) ở người ban hành kèm Quyết định 465/QĐ-BYT ngày 29/2/2024 của Bộ Y tế)