Bản án nào dành cho đối tượng sát hại 3 bà cháu ở Cao Bằng?
PLBĐ - Đối tượng sát hại dã man 3 bà cháu ở Cao Bằng được xác định là có vấn đề về thần kinh. Nhiều bạn đọc thắc mắc, với tình trạng như vậy thì hung thủ có phải chịu trách nhiệm hình sự.
Sáng 6/4, Công an tỉnh Cao Bằng đã tạm giữ đối tượng Thăng Phi Hùng (SN 1986, trú tại xã Lê Chung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) để điều tra về hành vi Giết người. Theo điều tra, chiều 4/4, Hùng bất ngờ dùng xà beng tấn công gia đình hàng xóm là bà Đoàn Thị L. (SN 1959) cùng 2 cháu nhỏ là cháu của bà L. là L.V.T. (SN 2015) và L.M.T.Đ. (SN 2018).
Vụ việc khiến bà L. và cháu T. tử vong tại chỗ. Cháu Đ. trọng thương được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, đến chiều 5/4, do vết thương quá nặng nên cháu Đ. đã tử vong tại bệnh viện.
Được biết, Hùng sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em. Hùng đã có vợ con, nhưng ly hôn từ năm 2018. Sau ly hôn, vợ con Hùng chuyển về xã Đức Long (huyện Hòa An) sinh sống, trong khi đó đối tượng này vẫn ở một mình tại địa phương. Điều đáng nói, Thang Phi Hùng có vấn đề về mặt thần kinh và hiện nằm trong danh sách theo dõi của Trạm y tế xã Lê Chung.
Theo lãnh đạo xã Lê Chung, vào dịp Tết Thanh minh vừa qua, một chị gái của nghi phạm về quê. Người chị này sau đó muốn nhờ người đưa Hùng xuống Hà Nội để chữa bệnh. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì khiến Hùng nổi điên và đập phá đồ đạc trong nhà. Thậm chí đối tượng còn làm hư hỏng 2 chiếc xe máy của người dân rồi bỏ trốn lên ngọn đồi ở địa phương.
Sau sự việc đó không lâu thì xảy ra vụ án nghiêm trọng khiến 3 bà cháu là hàng xóm của đối tượng tử vong. Khi xảy ra thảm án, bố mẹ 2 cháu T. và Đ. đang đi làm thuê. Gia đình hai cháu và hung thủ đều thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Hiện, Công an tỉnh Cao Bằng vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.
Vụ việc trên khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa. Theo dõi vụ án, nhiều bạn đọc thắc mắc với trường hợp hung thủ mắc bệnh tâm thần thì pháp luật sẽ xử lý như thế nào?
Trao đổi với Đời sống pháp luật, luật sư Dương Văn Thụ - Văn phòng luật sư Thiên Dương (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Trên cơ sở phân tích Điều 21 trên có thể thấy:
Trường hợp 1: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.
Trường hợp 2: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn được đặt ra.
Trường hợp 3: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà vẫn có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn chịu trách nhiệm bình thường đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.
"Do đó, người bị mắc bệnh tâm thần vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện khi họ rơi vào trường hợp 2 và trường hợp 3 như đã phân tích ở trên. Cụ thể, người nào đủ căn cứ cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015 thì có thể phải đối diện mức án cao nhất lên tới chung thân hoặc tử hình", luật sư Thụ cho biết.
Cũng theo dõi vụ việc, luật sư Trần Văn Việt (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ Luật Hình sự 2015 về Bắt buộc chữa bệnh cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Việt cho rằng, để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Cụ thể, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi giết người. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi giết người.
T.H (th)