Sáng 7/4: Việt Nam đã tiêm hơn 207 triệu liều vaccine COVID-19; Hà Nội sắp mở lại karaoke, quán bar
PLBĐ - Bản tin COVID-19 sáng 7/4 có những thông tin đáng chú ý sau: Việt Nam đã tiêm được 207.235.119 liều vaccine phòng COVID-19; Từ 0h ngày 8/4, quán karaoke, massage, bar ở Hà Nội chính thức được hoạt động trở lại;...
Số ca mắc mới trong ngày giảm, hơn 207 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm
Trong ngày 6/4, cả nước ghi nhận 49.124 ca nhiễm COVID-19 mới. Tất cả được ghi nhận trong nước (giảm 5.871 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Như vậy, trong hơn một tuần qua, số ca nhiễm mới trong nước giảm mạnh so với thời điểm giữa tháng 3.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 9.980.464 ca nhiễm, 42.712 ca tử vong. Nước ta đã điều trị thành công cho 8.277.563 bệnh nhân COVID-19.
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm ở nước ta là 207.235.119 liều. Trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 190.037.121 liều: Mũi 1 là 71.250.992 liều; Mũi 2 là 68.084.404 liều; Mũi 3 là 1.505.474 liều; Mũi bổ sung là 14.958.539 liều; Mũi nhắc lại là 34.237.712 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.197.998 liều: Mũi 1 là 8.811.947 liều; Mũi 2 là 8.386.051 liều.
Hà Nội mở lại dịch vụ karaoke, massage từ ngày 8/4
Ngày 6/4, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2022, ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố vừa ban hành Văn bản số 1011/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong tình hình mới trên địa bàn. Theo đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thành phố mở cửa lại các hoạt động kinh doanh, du lịch trong tình hình mới, cụ thể:
UBND thành phố cho phép các quán karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, internet… được hoạt động trở lại từ 0h ngày 8/4/2022 nhưng phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.
Trước đó, đứng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, UBND TP. Hà Nội đã quyết định tạm dừng hoạt động nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm: karaoke, spa, vũ trường, massage… kể từ 0h ngày 30/4/2021.
Trẻ từ 5 - 11 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ được cấp hộ chiếu vaccine
Ông Nguyễn Trường Nam - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết trong thời gian tới các cơ sở tiêm chủng sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Tất cả những mũi tiêm mới này, các cơ sở tiêm chủng phải cập nhật mã định danh để kết nối, xác thực, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện ký số ngay trong ngày để cập nhật lên hệ thống, Cục Y tế dự phòng tiến hành ký số tập trung để cấp hộ chiếu vaccine. Trẻ từ 5 - 11 tuổi cũng sẽ được cấp hộ chiếu vaccine như đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khác.
Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin cũng khẳng định, hộ chiếu vaccine được cung cấp thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và ứng dụng PC-Covid. Với người không sử dụng hai ứng dụng trên, có thể tra trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập thông tin gồm: Họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân (hoặc mã định danh), ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu. Người dân cũng có thể in hộ chiếu ra giấy để sử dụng.
Trẻ nguy kịch vì di chứng hậu COVID-19 nặng
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP. HCM) cho biết, em L.N.H (9 tuổi, tại TP. HCM) nhập viện vì thở mệt, sốt trong 2 ngày. Trong trong 2 ngày sốt, H. không ói, không ho, tiêu tiểu bình thường. Em than mệt nhiều nên được đưa đến bệnh viện. Khi đó, bệnh nhi trong trạng thái lừ đừ, chi mát, da nổi bông tím, huyết áp tụt 70/50mmHg, nhịp tim 180 lần/phút. Xét nghiệm PCR cho thấy trẻ mắc COVID-19 với CT=14. Đáng chú ý, siêu âm tim ghi nhận tràn dịch màng tim, chức năng co bóp cơ tim kém, men tim tăng cao.
Ngay sau đó, em H. được đặt nội khí quản thở máy, an thần, vận mạch và các thuốc kháng virus, kháng viêm, kháng sinh, đặt dẫn lưu màng ngoài tim. Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng, sốc không cải thiện, sức co bóp cơ tim tiếp tục giảm nên được thực hiện ECMO.
May mắn, sau 6 ngày chạy ECMO tình trạng của bệnh nhi cải thiện dần, giảm và ngưng được thuốc vận mạch, cai được ECMO, máy thở. Sau đó, em được chuyển khoa tim mạch tiếp tục điều trị. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhận định, đây là trường hợp trẻ mắc COVID-19 cấp tính nặng biến chứng viêm cơ tim màng ngoài tim.
Một bé gái khác 7 tuổi, chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố từ tỉnh Tây Ninh với chẩn đoán viêm cơ tim cấp ngày 3, block nhĩ thất. Bệnh nhi đã mắc COVID-19 hơn 2 tuần trước.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã dùng thuốc vận mạch và đặt máy tạo nhịp cho bé nhưng tình trạng tiếp tục diễn tiến nặng, sốc không cải thiện, sức co bóp cơ tim giảm, phản ứng viêm tăng cao. Bệnh nhi được chỉ định chạy ECMO. Sau 3 ngày, tình trạng huyết động có cải thiện, giảm được vận mạch, bé còn đang tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, đây là một trong các biểu hiện của hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương tim nặng. "Như vậy, viêm cơ tim có thể xảy ra khi mắc COVID-19 cấp tính cũng như giai đoạn hậu COVID-19", bác sĩ cảnh báo.
T.H (th)