Xét xử đại án đăng kiểm: "Bị cáo chỉ phạm vào lỗi vô ý do quá tự tin"
Ngày 9/8, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử đại án đăng kiểm với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) khối V.
Bắt đầu là phần bào chữa của luật sư cho bị cáo Trần Văn Chủ (cựu Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-03V). Trước đó theo VKS, Trung tâm này do bị cáo Trần Văn Chủ điều hành mọi hoạt động, thống nhất với Ban Giám đốc cho Đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi các phương tiện khi đến kiểm định.
VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội “Nhận hối lộ” đối với bị cáo Trần Văn Chủ.
Tại phiên tòa, luật sư trình bày, các chủ xe tự nguyện cho tiền Đăng kiểm viên chứ không phải Đăng kiểm viên làm khó khi họ mang xe tới đăng kiểm. Chủ phương tiện cho tiền để bỏ qua là lỗi không ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Các Đăng kiểm viên tự thỏa thuận với chủ phương tiện, chứ không phải nhận chỉ đạo từ Ban giám đốc.
Luật sư viện dẫn, tại biên bản hỏi cung bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Đức Hòa (Đăng kiểm viên 50-03V) ghi rõ: “Giá tiền trên do Đăng kiểm viên và môi giới thỏa thuận ngầm với nhau hoặc gặp trực tiếp nói chuyện”; “Các xe mới thường không có lỗi nên không bắt buộc họ đưa tiền, có khi tự nguyện đưa 100-200 ngàn đồng”.
Theo luật sư, quá trình làm Giám đốc, bị cáo Trần Văn Chủ không được phản ánh, báo cáo về tiêu cực xảy ra tại Trung tâm nên không thể phát hiện ra tiêu cực. Lúc đó, trưởng chuyền là người ký quyết định đạt hay không đạt. Bị cáo Chủ có nhiệm vụ giám sát chung nên không thể có đủ cơ sở để tự phát hiện sai phạm.
Về trách nhiệm hình sự, luật sư cho rằng bị cáo Trần Văn Chủ chỉ đóng vai trò giúp sức, không phải là người chủ trương hành vi nhận hối lộ. Đối với số tiền được cho là hưởng lợi bất chính hơn 2,6 tỷ đồng, luật sư đề nghị nên quy buộc bị cáo Chủ chỉ thực nhận là 360.400.000 đồng (chưa trừ hơn 174 triệu đồng chênh lệch).
Cũng theo luật sư, bị cáo Trần Văn Chủ chỉ nhận tiền khi cấp dưới đưa lên. “Đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu, bị cáo Chủ nghĩ do khách hàng tự nguyện đưa nên chỉ phạm vào lỗi vô ý do quá tự tin”.
Trong giai đoạn điều tra, bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng, phát hiện tội phạm để giải quyết vụ án. Ngoài ra, bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, gia đình có công với cách mạng; bản thân là thương binh 4/4 (tham gia chiến trường Campuchia), mang nhiều bệnh tật; Cục ĐKVN cũng có đơn xin giảm nhẹ hình sự bị cáo Chủ.
Bị cáo Chủ đã ăn năn hối cải, đã khắc phục toàn bộ số tiền được hưởng lợi. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng mức án từ 3 - 3,5 năm tù là đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Trước đó, chiều 8/8 phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND TP.HCM với bị cáo Trần Lập Nghĩa và 17 bị cáo là lãnh đạo, nhân viên làm việc tại các trung tâm đăng kiểm tại miền Tây do bị cáo Nghĩa làm chủ đầu tư.
Bị cáo Trần Lập Nghĩa bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên cấp dưới nhận hối lộ, giả mạo trong công tác để hưởng lợi 14,7 tỷ đồng và đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục đăng kiểm.
Đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Lập Nghĩa 28-30 năm tù cho 3 tội “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” và “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Các bị cáo đồng phạm bị đề nghị từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 27 năm tù.
Tại phần bào chữa, các luật sư đã trình bày về vai trò hạn chế của một số bị cáo và cho rằng mức đề nghị án là quá nặng và nghiêm khắc. Đồng thời, luật sư bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo hoặc giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện VKS đối đáp và cho biết đã thận trọng xem xét, đánh giá và kiểm tra các tình tiết giảm nhẹ để áp dụng cho tất cả các bị cáo.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, VKS cũng sẽ phân hóa đối với các bị cáo có thái độ cầu thị và có thêm tình tiết giảm nhẹ khác. VKS sẽ đề nghị tăng nặng hơn đối với những bị cáo đã nhận tội nhưng đến phần tranh luận lại chối tội.
Theo hồ sơ, từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2022, để đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định của Cục Đăng kiểm giao, tăng thêm thu nhập cho nhân viên, đồng thời có tiền để chung chi cho lãnh đạo Cục ĐKVN, Trần Văn Chủ cho phép các Đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ từ người đi đăng kiểm, chủ phương tiện và đối tượng môi giới để bỏ qua lỗi của phương tiện trong quá trình kiểm định để cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm.
Sau khi thống nhất chủ trương trên, các Đăng kiểm viên thống nhất số tiền nhận hối lộ để bỏ qua lỗi khi kiểm định.
Cụ thể, xe 4-7 chỗ ngồi 100.000 đồng/xe, xe tải 200.000 đồng/xe, xe sơ mi rơ mooc 200.000 đồng/xe, xe đầu kéo 300.000 đồng/xe.
Số tiền nhận hối lộ mỗi ngày, trưởng dây chuyền sẽ tập hợp và chia đều cho Ban Giám đốc và Đăng kiểm viên.
Tổng số tiền mà bị cáo Trần Văn Chủ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Nhận hối lộ” là hơn 2,6 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 435 triệu đồng, đã nộp số tiền 360.400.000 đồng.