Thế giới tự nhiên độc lạ và ấn tượng qua ống kính macro của nhiếp ảnh gia 8X
PLBĐ - Với óc quan sát nhạy bén, niềm đam mê chụp ảnh, nhiếp ảnh gia Trần Thế Ngọc đã mang đến một góc nhìn khác lạ về thiên nhiên, những điều mà chúng ta khó thấy bằng mắt thường.
Tốt nghiệp ngành Đồ họa của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội nhưng sở thích chụp ảnh từ nhỏ đã mang Trần Thế Ngọc đến với bộ môn chụp macro. Lúc đầu, anh chỉ chụp macro kiểu "chơi chơi" tuy nhiên càng chụp anh càng bị cuốn vào đó và nó trở thành niềm đam mê chính của anh.
Chụp ảnh cận cảnh (Macrophotography) là thể loại ảnh được chụp ở cự ly rất gần vật thể, có tỷ lệ phóng đại từ 1:1 tới lớn đến 5:1, 10:1… tức là phóng đại từ 1 đến 10 lần kích thước vật thể gốc. Thể loại chụp ảnh này mang đến góc nhìn mới lạ và gây hứng thú cho người xem, cho phép họ quan sát được những hình ảnh dễ bị bỏ qua khi theo dõi bằng mắt thường.
Khi mới bắt đầu thể loại chụp ảnh này, Ngọc phải tự chế lens chụp macro cho điện thoại từ những thấu kính hỏng trên máy ảnh Compact hoặc gỡ từ lens DSLR hỏng. Tuy nhiên, sau đấy thấy chất lượng ảnh từ điện thoại chụp ra không thỏa mãn được mình nên 2017 anh chuyển sang chơi bằng máy ảnh DSLR.
"Mẫu" của anh chủ yếu là côn trùng. Đó có thể là những con côn trùng quanh nhà hoặc ở trong rừng. Anh chia sẻ, sở dĩ anh chọn côn trùng làm "mẫu" chính trong những bức ảnh macro của mình là vì nó thực sự rất đẹp và cũng rất...dị.
Vẻ đẹp của chúng khó có thể thấy được bằng mắt thường nhưng dưới ống kính macro thì vẻ đẹp đó khó có thể mô tả bằng lời.
Thường khi nhắc đến những con côn trùng người ta sẽ nghĩ đến ruồi, muỗi, sâu, bọ,... Những con vật bé nhỏ, xấu xí này khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi, ghê tởm và tìm cách loại bỏ chúng. Thế nhưng, côn trùng trong tự nhiên có rất nhiều loài đẹp đẽ và có lợi nhiều hơn có hại.
Nói là chụp ảnh nhưng chụp macro không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Ngọc chia sẻ, để chụp được một con côn trùng thì anh sẽ phải tìm hiểu xem chúng hay sống ở đâu, ăn gì, chúng là loại khi bay đi sẽ đậu lại chỗ cũ hay bay đi là bay luôn, làm thế nào để tiếp cận chúng trong tự nhiên để chúng ko bay mất....
Đây cũng là yếu tố then chốt nhất để có một bức ảnh đẹp, điều đó đòi hỏi người chụp phải làm chủ tình huống và phản ứng nhanh để "chớp" được khoảnh khắc đắt giá cũng như thể hiện rõ nét nhất thông điệp mà mình muốn gửi gắm qua mỗi tác phẩm.
Lựa chọn thể loại ảnh này khiến người chụp phải có óc quan sát rất nhạy bén với môi trường, sự vật xung quanh. Bởi có những con vật chỉ bắt gặp một lần rồi nó bay đi mất không chụp được đành tiếc hùi hụi, lại phải đợi cả năm sau mới có thể chụp lại hoặc đợi vài năm cũng chưa gặp lại được. Còn có những con thì tiếp cận chụp đến 20 ngày mình mới chụp lại được nó.
Còn về chụp phóng đại lớn với mẫu tiêu bản thì mình lại cần tìm hiểu và hiểu rõ về mỗi loại côn trùng mình chụp, về hình dáng, thế đứng, thế đậu, cấu tạo bên ngoài của mẫu ra sao rồi cách vệ sinh và setup mẫu như thế nào,... Tất cả đều cần sự quan sát tỉ mỉ, luyện tập nhiều lần và tích lũy kinh nghiệm mới có thể chụp được.
Chia sẻ về đam mê chụp ảnh macro của mình, nhiếp ảnh gia Thế Ngọc cho biết, mặc dù bản thân anh là tay ảnh không chuyên nhưng nhiếp ảnh từ lâu đã là niềm đam mê được anh nuôi dưỡng qua thời gian dài.
Việc khám phá và lưu lại những khoảnh khắc đẹp bình dị của cuộc sống xung quanh đã trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày của anh và nó trở nên sinh động nhất thông qua ống kính macro.
Năm 2020, trong cuộc thi ảnh quốc tế thường niên 35AWARDS do đội ngũ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trên khắp thế giới tổ chức, nhiếp ảnh gia Trần Thế Ngọc vinh dự là 1 trong 5 người chiến thắng ở hạng mục ảnh macro và là 1 trong 5 nhiếp ảnh gia macro xuất sắc nhất.
Năm 2021 trong cuộc thi ảnh Extreme macro do 35AWARDS tổ chức anh cũng giành giải Ảnh xuất sắc nhất và Nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất.
Cuộc thi ảnh quốc tế thường niên 35AWARDS được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Mỗi năm, cuộc thi có 50 giám khảo đến từ 50 quốc gia khác nhau tham gia chấm điểm.
Với những bức ảnh của mình, nhiếp ảnh gia Trần Thế Ngọc hy vọng sẽ khơi dậy được sự hứng thú của mọi người với thiên nhiên từ đó tìm tòi, khám phá rồi tiếp cận, quan tâm và sống chung với thiên nhiên đúng cách hơn.