Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng bao gồm 5 cầu vượt lần lượt tại: nút giao Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân, Tân Phú); nút giao Ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (quận 3, quận 10); nút giao Ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 5, quận 10); nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), nút giao Quốc lộ 1 - đường số 7 (Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Trong đó, nút giao Ngã tư Bốn Xã sẽ là nút giao có tổng mức đầu tư cao nhất lên tới 2.400 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng 2.100 tỷ). Mỗi nút giao còn lại sẽ được đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Trên ảnh là nút giao Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân, Tân Phú). Lưu lượng xe rất lớn nhưng đường lại nhỏ hẹp khiến cho nơi đây luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Dự án sẽ xây dựng cầu vượt theo hướng đường Lê Văn Quới - Hòa Bình với chiều dài 280 m, rộng 12 m và lưu thông hai chiều. Trên thực tế, dự án cầu vượt tại Ngã tư Bốn Xã đã được Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận chủ trương năm 2016 nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được vì thiếu vốn. Nút giao Ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (quận 3, quận 10) và nút giao Ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 5, quận 10) là hai nút giao lớn ở nội thành. Nơi đây thường xuyên chật kín các phương tiện dù không phải là giờ cao điểm, luôn là điểm nóng của tình trạng ùn tắc giao thông. Trên ảnh là nút giao Ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Mỗi nút giao sẽ được đầu tư 400 tỷ đồng để xây cầu vượt nhằm giảm giao cắt như hiện nay. Hướng đi của các nhánh cầu sẽ được tính toán phù hợp khi bước vào giai đoạn nghiên cứu dự án. Với nút giao quốc lộ 1 - đường số 7 - đường số 18, ngành giao thông thành phố dự kiến xây cầu vượt hoặc hầm chui với chiều dài 400m, rộng 2 - 4 làn (cho xe lưu thông 2 chiều hướng đường số 7 - đường số 8). Tại khu vực cửa ngõ phía Bắc, ngã tư Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị cũng là một trong 24 điểm đen kẹt xe. Dự án xây dựng cầu vượt được đề xuất chi 400 tỷ đồng, cầu có chiều dài 500 m, rộng 2 - 4 làn (cho xe lưu thông hai chiều theo hướng đường Nguyễn Oanh). Dự án hoàn thành sẽ giúp phân luồng giao thông tốt hơn, giảm xung đột giữa các dòng xe và nguy cơ tai nạn giao thông, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vì hạn chế được tiếng ồn và ô nhiễm không khí do ùn tắc giao thông gây ra. Bên cạnh đó, dự án còn giúp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế khi sự kết nối giữa các khu vực trong thành phố tốt hơn sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và kinh doanh. Những nơi có cơ sở hạ tầng tốt thường sẽ tăng giá trị bất động sản và thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với khu vực. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn khá nhiều “điểm đen” ùn tắc, trong đó nhiều nơi đã không chuyển biến suốt nhiều năm, như: giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng; Xô Viết Nghệ Tĩnh; ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh); Nguyễn Tất Thành (Quận 4); Nguyễn Thị Định (thành phố Thủ Đức); Trường Chinh; giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (Quận Tân Bình)…
Bài và ảnh: Ni Na