Cuộc chiến kinh doanh chuỗi cà phê: Thị trường dễ vào nhưng cũng dễ bật
Từ 816 cửa hàng cà phê năm 2019, đến năm 2023, con số này đã lên 1.657. 'Sân chơi' chuỗi cà phê được nhận định thị trường dễ vào nhưng cũng dễ bị bật ra.
Mở rộng hay thu hẹp quy mô?
Trong thời gian qua, mô hình cà phê mang đi (take away) có lẽ không còn quá mới mẻ tại Hà Nội và nhiều tỉnh/thành phố. Một cái tủ gỗ nhỏ, thùng đá bi, ít ly nhựa và chai cà phê pha sẵn... thế là đã có thể khởi nghiệp take away ở một góc nhỏ vỉa hè nào đó.
Take away là mô hình kinh doanh thuộc dịch vụ ẩm thực để khách mua và mang đi nơi khác. Một dạng "bán mang đi" đơn giản, phù hợp những người mê kinh doanh nhưng ít vốn. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đã bắt chước nhau thử sức kiểu khởi nghiệp này.
Vài tháng trở lại đây, cửa hàng cà phê muối Chú Long ở đầu phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) dù mới được khai trương nhưng đã thu hút khá nhiều khách hàng. Kinh doanh theo hình thức take away nên chi phí mặt bằng được tối ưu hóa, giá cả sản phẩm khá hợp lý, đâu đó 15.000 - 18.000 đồng/cốc. Tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang khó khăn, do vậy, sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.
Sự sôi động của thị trường đồ uống nói chung và cà phê nói riêng được cho là khá hấp dẫn đối với nhiều người muốn khởi nghiệp và đôi khi chưa biết bắt đầu với nghề gì? Tuy nhiên, bức tranh không hẳn chỉ toàn màu hồng. Bởi không chỉ các bạn trẻ mà cả các ‘ông lớn’ cũng đã buộc phải dừng bước hoặc thu hẹp lại quy mô, thậm chí đóng cửa.
Trong những tháng gần đây, The Coffee House đã âm thầm đóng cửa các chi nhánh sau 6 năm hoạt động tại Cần Thơ. Đại diện truyền thông của The Coffee House giải thích: "Trong bối cảnh hiện tại, việc tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên. Quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, giúp đảm bảo kinh doanh toàn hệ thống".
Không dừng lại ở Cần Thơ, từ nay đến hết tháng 8, The Coffee House cũng có kế hoạch đóng toàn bộ cửa hàng tại Đà Nẵng. Đây là hai thành phố trực thuộc trung ương, đều là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch quan trọng của miền Tây Nam bộ và miền Trung.
Tình trạng đóng cửa hàng của The Coffee House cũng diễn ra trước đó tại một số chi nhánh từng rất hút khách như Kim Mã, Nguyễn Tuân, Bùi Thị Xuân, Văn Quán (Hà Nội), Phạm Văn Chiêu (TP. Hồ Chí Minh), Lạch Tray (Hải Phòng)...
Tính đến ngày 31/7/2024, The Coffee House còn 117 cửa hàng trên toàn quốc, giảm đáng kể so với con số khoảng 150 cửa hàng vào cuối năm 2023. Chuỗi cà phê này vẫn duy trì hoạt động tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
Tại một sự kiện về F&B diễn ra vào cuối năm ngoái ở Hà Nội, ông Ngô Nguyên Kha, CEO The Coffee House, từng chia sẻ về thách thức khi khách hàng ngồi lâu nhưng chỉ gọi một món đồ uống. Mặc dù đã áp dụng nhiều chiến lược như khuyến mãi giảm giá cho ly nước thứ hai hay tặng voucher cho khách ngồi quá hai giờ. Tuy nhiên, có lẽ với con số trên, những giải pháp này chưa cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, The Coffee House đang nỗ lực cân bằng giữa việc duy trì không gian làm việc thoải mái cho khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Việc rút lui khỏi Cần Thơ và Đà Nẵng là một phần trong chiến lược này, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của chuỗi trong thời gian tới.
Việc thu hẹp quy mô không chỉ đến từ các thương hiệu cả phê trong nước. Cách đây 2 năm, thông tin cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Hà Nội đóng cửa sau 8 năm hoạt động gây xôn xao trong giới kinh doanh ngành hàng ăn uống (F&B) cũng như những khách hàng ưa chuộng thương hiệu cà phê này. Theo chia sẻ của bà Patricia Marques - Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam - với giới truyền thông thời điểm đó, là do việc tìm kiếm mặt bằng là một trong những khó khăn lớn nhất vì không thể thương lượng giá thuê.
“Sân chơi” dễ vào nhưng cũng dễ bị bật ra
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2023 vẫn chứng kiến sự sôi động đáng kể của thị trường F&B Việt Nam. Số lượng cửa hàng cà phê tăng mạnh, từ 816 cửa hàng năm 2019 lên 1.657 cửa hàng năm 2023. Hiện, thị trường chuỗi nhà hàng và đồ uống tại Việt Nam đang có quy mô ước tính lên đến 1,3 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập của các chuỗi F&B vào thị trường mới chỉ đạt mức 5%, cho thấy tiềm năng phát triển còn rất lớn.
Trong báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 được Công ty CP iPOS.vn công bố cho thấy, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam năm 2023 đạt 590 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11,47% so với năm 2022. Theo ước tính của iPOS.vn, doanh thu thị trường ngành F&B Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, hướng tới giá trị đạt hơn 655 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.
Theo ước tính của Tổ chức Tư vấn và nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường F&B Việt Nam dự kiến sẽ đạt 22,72 tỷ USD vào năm 2024 và chạm mức 36,29 tỷ USD vào 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 9,82% giai đoạn 2024-2029. Những con số này cho thấy, tiềm năng của ngành F&B rất lớn, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho giới khởi nghiệp.
Đối với người Việt Nam, cà phê là một thức uống quen thuộc, xuất hiện trên mọi loại menu, từ quán cóc vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người lựa chọn kinh doanh quán cà phê làm hình thức khởi nghiệp.
Trong kinh doanh, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một chiến lược riêng. Dù vậy, một khi đã dấn thân vào kinh doanh ngành dịch vụ thì phải tìm hiểu kỹ lưỡng, chấp nhận rủi ro bởi “sân chơi” chuỗi cà phê được nhận định ‘dễ vào nhưng cũng dễ bị bật ra’.
Chiến lược gia tăng độ phủ buộc doanh nghiệp phải đối diện với bài toán tìm kiếm mặt bằng. Bên cạnh đó, sức phục hồi tốt của ngành hàng F&B đang đòi hỏi những thương hiệu lớn tiếp tục những hướng đi mới, nhất là linh động trong việc chọn điểm bán.
Xu hướng tiêu dùng lành mạnh, bền vững và cá nhân hóa ngày càng trở nên phổ biến, yêu cầu các doanh nghiệp phải tập trung phát triển sản phẩm đáp ứng các tiêu chí này. Công nghệ số hóa tiếp tục đóng vai trò quan trọng, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, và tương tác với khách hàng một cách hiệu quả hơn.
Đồng thời, việc xây dựng và duy trì niềm tin của người tiêu dùng thông qua các chiến lược định vị thương hiệu và cải thiện chất lượng sản phẩm cũng trở thành yếu tố then chốt. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, những doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng và ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Theo số liệu thống kê của Statista đến tháng 4/2022, chuỗi The Coffee House đứng thứ 3 về số lượng cửa hàng, chỉ sau Highlands Coffee và Trung Nguyên. Vào đầu năm 2023, thương hiệu này đã cán mốc 157 cửa hàng thì nay đã giảm xuống còn 117 cửa hàng, từ vị trí thứ ba tại Việt Nam giờ xếp ở vị trí thứ 4.