Các nước châu Á khác có ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch?
Mặc dù có chung nguồn gốc, song mỗi quốc gia lại có những hoạt động độc đáo riêng biệt để kỷ niệm ngày lễ đặc biệt này.
Thất tịch là một ngày lễ mang đậm màu sắc truyền thống châu Á, gắn liền với câu chuyện tình yêu lãng mạn của Ngưu Lang và Chức Nữ.
Tương truyền, mỗi năm vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, đôi uyên ương này mới có cơ hội gặp nhau nhờ đàn chim ô thước bắc cầu trên sông Ngân Hà. Chính vì vậy, Thất Tịch không chỉ là ngày kỷ niệm tình yêu mà còn để cầu mong hạnh phúc và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.
Tuy có chung nguồn gốc từ cùng một câu chuyện tình yêu lãng mạn song ở mỗi quốc gia châu Á, dịp lễ đặc biệt lại được biến tấu với tên gọi, những hoạt động độc đáo và mang nét đặc trưng riêng.
Lễ Chilseok Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, lễ Thất Tịch được gọi là Chilseok. Vào ngày này, người dân thường có tục lệ tắm để cầu sức khỏe, may mắn và xua đuổi những điều xui xẻo. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cũng sẽ quây quần bên nhau, thưởng thức những món ăn truyền thống.
Điệu múa ganggangsullae phổ biến trong trong ngày lễ Chilseok - Ảnh: KOCIS
Đặc biệt phải kể đến là bánh bột mì và bánh mì nướng. Người dân xem đây là cơ hội cuối cùng trong năm để thưởng thức các món ăn làm từ lúa mì trước khi mùa đông đến đồng thời tin rằng chúng sẽ giúp họ có một mùa đông ấm áp và khỏe mạnh. Vậy nên, Chilseok còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với thiên nhiên.
Lễ Tanabata Nhật Bản
Người dân xứ sở hoa anh đào tổ chức Tanabata vào ngày 7 tháng 7 dương lịch. Dịp này, họ sẽ trang trí những cành tre với giấy màu (Tanzaku) ghi đầy những ước nguyện với quan niệm rằng nếu viết lên giấy và treo lên cây tre, các vị thần sẽ nghe thấy và biến chúng thành hiện thực.
Những tờ giấy đầy màu sắc với ước nguyện treo khắp nơi - Ảnh: Newscast
Nhiều món ăn hấp dẫn sẽ được dùng trong lễ Tanabata như món mì lạnh Somen có sợi mì giống như những sợi tơ mà Chức Nữ đã dệt, bánh Dango làm từ bột gạo, phủ lên các loại gia vị như kinako hay đường nâu.
Hay món thạch cùng tên Tanabata nhiều màu sắc tượng trưng cho các ngôi sao trong câu chuyện Orihime và Hikoboshi (tức Chức Nữ và Ngưu Lang).
Somen thường được dùng lạnh, đặc biệt là vào mùa hè - Ảnh: The Japanese Pantry
Lễ Qixi Trung Quốc
Vào ngày Qixi, người dân đất nước này thường viết những lời nguyện ước liên quan đến tình yêu, may mắn và hạnh phúc… lên giấy màu, treo lên cây hoặc thả xuống sông với hy vọng được đáp ứng.
Đặc biệt, các cô gái trẻ sẽ tham gia cuộc thi thể hiện tài năng khâu vá, thêu thùa, biểu diễn nghệ thuật... để thể hiện sự khéo léo và mong muốn tìm được một nửa hoàn hảo.
Phụ nữ Trung Quốc sẽ mặc Hanfu – trang phục truyền thống và chuẩn bị lễ vật để cầu xin trí tuệ hay những điều ước vào Thất Tịch - Ảnh: Time Out
Buổi tối, nhiều gia đình treo đèn lồng và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí. Họ cũng cùng quây quần và thưởng thức các món ăn truyền thống: Bánh bao nhân đậu đỏ tượng trưng cho sự đoàn tụ, quả đào tượng trưng cho sự trường thọ và tình yêu.
Ảnh: Chuck Hsu
Riêng ở Việt Nam, lễ Thất Tịch trong những năm gần đây cũng được nhiều người chú ý. Một số gia đình sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, bày biện những món ăn truyền thống như xôi, chè, bánh trái...
Đặc biệt, món chè đậu đỏ cũng được các bạn trẻ xem là biểu tượng của dịp này cũng như đại diện cho tình yêu đôi lứa.
Tương truyền trong dân gian, những người độc thân sẽ có cơ duyên có thể tìm thấy nửa kia nếu ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch.
Theo VTCnews