Rằm tháng 7 năm 2024 nên chọn những loại hoa nào dâng cúng và vị trí đúng của bình hoa trên ban thờ
GĐXH – Rằm tháng 7 là một dịp lễ quan trọng trong năm nên dù bộn bề mưu sinh nhà nào cũng lo biện lễ, chọn hoa cúng Rằm. Nhưng rất nhiều người thắc mắc chuyện dâng cúng hoa gì lên ban thờ để thể hiện hết tâm thành dịp Rằm tháng 7 âm lịch.
Ý nghĩa dâng hoa cúng Rằm tháng 7 âm lịch
Theo truyền thuyết Rằm tháng 7 âm lịch – là lễ Vu lan báo hiếu, là ngày xá tội vong nhân thì việc dâng hoa cúng trên ban thờ có ý nghĩa tâm linh quan trọng (kể cả dịp cúng Phật, giỗ chạp…). Nhưng không phải hoa nào cũng dâng cúng, bởi việc chọn hoa cúng có nguyên tắc nhất định.
Ở Việt Nam, đạo Phật ảnh hưởng rộng đến đời sống tâm linh của người dân. Nghi thức dâng hoa cúng vào Rằm tháng 7 âm lịch nói riêng, và các ngày mùng Một (và cả các ngày lễ tết, cúng giỗ…) là một phần trong các nghi lễ, thể hiện tấm lòng thành kính, trang nghiêm với Phật thánh, Tổ tiên. Hoa tươi dâng cúng trên ban thờ còn để tưởng nhớ Tổ tiên, cầu mong Tam bảo, Tổ tiên phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gắn bó hạnh phúc, tài vận may mắn, hanh thông, gia đạo bình an, may mắn, tài lộc thăng tiến...
Một số lưu ý khi dâng hoa cúng trên ban thờ
Có nhiều loại hoa dâng cúng lên ban thờ, nhưng ưu tiên chọn những loài hoa tươi thắm, có tên đẹp và hương thơm - được cho là mang lại năng lượng tích cực, may mắn.
Số lượng hoa: Nên chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9...) - là số dương, mang năng lượng tích cực.
Bình hoa: Chọn bình không có họa tiết, hoặc họa tiết trang nhã, truyền thống như hoa sen, tranh thủy mặc.
Bàn thờ lớn (Gia Tiên): Chọn lọ hoa cao 30 - 35 - 40cm để cắm hoa dài (huệ, lay ơn, lily...
Bàn thờ nhỏ: Chọn lọ hoa kích thước nhỏ 15 - 20 - 25cm để cắm các loài hoa cúc, hồng...
Cách sắp xếp hoa trên ban thờ Rằm tháng 7
Rằm tháng 7 và những ngày lễ khác sắp xếp hoa trên ban thờ nên theo nguyên tắc "Đông bình - Tây quả". Nghĩa là từ vị trí trong bàn thờ nhìn ra phía ngoài thì:
- Bên trái của người đứng (tức là bên trái của Gia tiên nhìn ra từ nơi ban thờ) là phía Đông - là hướng đặt bình hoa. Phía Đông tượng trưng cho sự khởi đầu, sự sống tươi mới (hướng Mặt trời bắt đầu hành trình mỗi ngày).
- Phía Tây đặt mâm ngũ quả - có ý nghĩa hoa nở trước, quả chín sau - biểu tượng của sự chín chắn và kết tinh của công sức, tượng trưng cho chu trình tự nhiên.
- Nếu không gian ban thờ rộng rãi, gia chủ có thể đặt 2 bình hoa đối xứng hai bên ban thờ. Khi đó, mâm ngũ quả sẽ được đặt ở phía trước bình hoa.
Bật mí những loại hoa cúng Rằm tháng 7 mang lại tài lộc, phúc khí
Hoa cúc là một trong những loại hoa cúng trưng bàn thờ phổ biến nhất vào Rằm tháng 7, các ngày lễ tết, ngày sóc, ngày vọng (rằm, mùng 1). Theo phong thủy, hoa cúc chính là biểu tượng của sự sống, giúp tăng phúc lộc thọ, là biểu trưng cho niềm vui, may mắn, thành công. Hoa cúc có nhiều loại, hay được chọn dùng trong dịp liên quan đến văn hóa tâm linh là hoa cúc vàng và hoa cúc trắng.
Dâng hoa cúng là cúc vàng, cúc trắng
Màu vàng tươi của hoa cúc ứng với hành Kim trong ngũ hành. Những bông cúc vàng rực rỡ tượng trưng về lòng hiếu thảo, sự trường tồn vĩnh cửu, phúc lộc, may mắn, tài lộc viên mãn, đủ đầy... đến với gia chủ - vì vậy hoa cúc vàng được ưa chuộng bày trên ban thờ.
Hoa cúc trắng có ý nghĩa duyên dáng nhẹ nhàng nên được chọn dâng cũng ban thờ.
Hoa huệ trắng, đỏ
Hoa huệ trắng với vẻ đẹp tinh khiết, thơm ngát, tạo không gian tươi tắn mà vẫn tôn nghiêm, thành kính nên hay được dâng cúng trên ban thờ.
Hoa huệ trắng được trưng trên ban thờ là hoa huệ ta, bông trắng nhỏ thanh nhã, ngát hương về đêm. Loại hoa này đẹp, có ý nghĩa mang đến sự bình yên, thanh tịnh cho không gian thờ cúng.
Hoa huệ đỏ tượng trưng cho sự thanh cao, đầy đủ và sung túc.
Hoa lay ơn (kiếm lan)
Là loại hoa cúng phổ biến, có ý nghĩa thuần khiết, thanh tao, và trang nhã. Rất thích hợp cho các nghi thức cúng bái, trưng trên bàn thờ. Hoa lay ơn tươi lâu, có ý nghĩa tình cảm, sự ấm áp và hạnh phúc.
Hoa sen
Hoa sen đẹp thanh cao, thuần khiết, hương thơm dịu nhẹ – rất xứng đáng là quốc hoa. Hoa sen gắn với nhiều điển tích của nhà Phật với biểu trưng thanh tịnh, giác ngộ, thuần khiết, thể hiện sự mạnh mẽ, niềm tin, nghị lực.
Trong phong thủy, hoa sen mang lại may mắn, thành công, hòa thuận, hạnh phúc nên hay được trưng trên bàn thờ và các dịp lễ quan trọng. Vì thế nên hay được chọn dâng cúng ban thờ Phật và Gia tiên.
Hoa đồng tiền
Quan niệm phong thủy cho hoa đồng tiền có ý nghĩa mang lại tài lộc, thịnh vượng, may mắn, nên được nhiều người dâng cúng – trong nghi lễ cúng hoa, ban thờ thần Tài – vì được cho là có ý nghĩa mang lại vận may, tài lộc, thịnh vượng trong kinh doanh, còn giúp hoá giải những điềm xấu cho gia đình.
Hoa lily
Nhiều người quan niệm không nên trưng hoa ly trên ban thờ vì sợ "ly tán" không may mắn. Nhưng hoa ly tên gốc là lily - người Việt gọi tắt là ly - ở Trung Quốc và một số nước gọi là hoa bách hợp, có hương thơm và nhiều màu đẹp cho ban thờ. Loài hoa này là biểu tượng của sự thuần khiết, tái sinh, hòa bình, may mắn, bình an, hạnh phúc… Vì vậy, hoa Lily thích hợp để cúng Rằm tháng 7.
Hoa hồng đỏ
Màu hoa đỏ tươi tạo cảm giác trang nghiêm trong không gian thờ cúng. Hoa hồng có nhiều giá trị tâm linh. Màu đỏ của hoa hồng tượng trưng cho may mắn, tình yêu, bình an, lòng biết ơn, cầu mong hạnh phúc, vận khí tốt lành, tài vận hưng thuận… Hoa hồng đỏ cũng hay được chọn bày nơi ban thờ Thần Tài ).
Hoa cau
Rằm tháng 7 có hoa cau cũng được ưa chuộng để dâng cúng ban thờ vì lạ, thơm thoang thoảng, thanh ngát rất dễ chịu. Những cành hoa cau màu trắng vàng, nhỏ xíu từng chùm từ nách lá, rồi phân thành nhiều nhánh. Cắm hoa cau trên ban thờ mang lại cảm giác thanh tịnh, cung kính trang nghiêm nơi thờ cúng.
Mua hoa cau cắm ban thờ theo kiêng kị của người xua thì người bán chỉ được xé cành hoa cau, chứ không dùng dao, kéo cắt cành như với các hoa khác. Kiêng kị này xuất phát từ việc không xé cành cau trong lễ cưới hỏi để tránh sự chia cắt, ly tán...