Bị giới hạn thời gian tăng ca, doanh nghiệp than "mất người"
Đại diện các doanh nghiệp cho biết do người lao động muốn "cày" nhiều tiền có xu hướng chuyển tới những công ty tăng ca nhiều hơn
"Doanh nghiệp gặp khó trong việc giữ chân lao động làm việc lâu dài. Những lao động có trình độ, chất lượng cao thường muốn làm thời vụ, không thiết tha việc ký hợp đồng dài hạn với công ty" - bà Kiều Ngọc Hoa, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) cho hay tại buổi làm việc với đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây.
Bà Hoa cho biết tổng số lao động tại công ty là 5.042 người, gồm quản lý, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cao, chuyên môn kỹ thuật bậc trung và một số lao động khác. Đơn vị cũng đang thiếu hụt nguồn nhân lực cho các vị trí như kỹ sư quản lý dự án phần mềm và kỹ sư khuôn, với lí do chung là thiếu nguồn cung ứng nhân lực. Lý do khác, trong doanh nghiệp, người lao động thuộc nhóm lập trình viên có xu hướng thay đổi công việc thường xuyên hơn các nhóm nhân lực khác.
"Công ty chúng tôi có nguyên tắc, chỉ tổ chức tăng ca 30 giờ/tháng, thay vì cả trăm giờ như một số doanh nghiệp khác. Đây là lý do nhóm lao động muốn "cày" nhiều tiền có xu hướng chuyển tới chỗ tăng ca nhiều hơn" - bà Hoa nói.
Công ty và người lao động đang gặp khó khăn đối với giới hạn về thời gian thêm 300 giờ/năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kế hoạch nguồn nhân lực của doanh nghiệp mà còn kìm hãm thu nhập của người lao động.
Theo bà Hoa, thực tế, người lao động phải đi làm thêm những nghề khác như chạy xe công nghệ, phục vụ nhà hàng, quán ăn để kiếm tiền. Vì thế, công ty mong muốn Bộ, Sở có thể xem xét, kiến nghị nâng hạn mức làm thêm hằng năm lên 400 giờ.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP HCM) "than" với quy định giới hạn số giờ tăng ca như hiện nay doanh nghiệp của ông và nhiều công ty may khác chắc chắn sẽ bị vướn.
Ông Anh cho hay từ tháng 4, 5 đơn hàng tăng "nóng", nhất là thị trường các nước Trung Đông. Công ty cũng vừa nhận thanh toán từ một đối tác bên Trung Đông với số lượng vài ngàn sản phẩm nên công nhân bận rộn sản xuất ngày đêm.
Theo ông Anh, từ sau dịch COVID-19, là thời điểm đơn hàng dồi dào nhất, sản lượng tính đến tháng 5-2024 của công ty tăng 50% (200.000 sản phẩm) so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi cả năm 2023 tình hình ngành dệt may gần như "tê liệt". Do đó, đây là thời cơ để công ty bù đắp những thời điểm không có đơn hàng, cùng với đó công ty đã tuyển dụng thêm 20% lao động và cũng tăng ca để kịp hoàn tất sản phẩm xuất khẩu.
"Lao động có tay nghề tuyển không ra, trong khi chúng tôi tăng ca "kịch khung" cho phép vẫn không kịp giao hàng. Vì thế, chúng tôi mong muốn được nới lỏng thời gian tăng ca" - ông Anh mong muốn.
Số giờ làm thêm, tăng ca tối đa trong 1 năm:
Theo Điều 107 Bộ Luật Lao động 2019 và Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ Luật Lao động 2019.
Theo đó, khoản 3 Điều 107 Bộ Luật Lao động 2019 quy định cho phép người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;
- Trường hợp khác do Chính phủ quy định