Cách xác định mức lãi suất cho vay của công ty tài chính được quy định như thế nào?
Cách xác định mức lãi suất cho vay của công ty tài chính được quy định như thế nào? Hoạt động cho vay có những chi phí liên quan nào?
1. Cách xác định mức lãi suất cho vay của công ty tài chính được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay tiêu dùng như sau:
(i) Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
(ii) Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Ngoài ra, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) quy định lãi suất cho vay như sau:
(i) Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản (ii) dưới đây.
(ii) Trường hợp khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
- Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại 2005.
- Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
- Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao 2008 và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao 2008.
Như vậy, công ty tài chính tự ấn định mức lãi suất và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Do đó, mức lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận và công ty tài chính sẽ được tự ấn định mức lãi suất cho vay riêng. Khi tự ấn định mức lãi suất còn phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa, các công ty tài chính có thể tự quyết định mức lãi suất cho vay đối với khách hàng.
File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
Cách xác định mức lãi suất cho vay của công ty tài chính (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
2. Hoạt động cho vay có những chi phí liên quan nào?
Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, gồm:
(i) Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
(ii) Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.
(iii) Phí thu xếp cho vay hợp vốn.
(iv) Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.
(v) Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
3. Bảo đảm tiền vay
Điều 15 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định về bảo đảm tiền vay như sau:
(i) Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan.
(ii) Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
(iii) Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật.