Cách vượt xe ô tô cùng chiều an toàn nhất, lái xe nên tham khảo hạn chế phạm luật

11/08/2024 10:59

Vượt xe cùng chiều như thế nào cho đúng cách là các quy định các tài xế đều phải nắm bắt rõ khi tham gia giao thông. Bài viết dưới đây chia sẻ các thông tin liên quan đến việc vượt xe cùng chiều an toàn nhất để các bác tài hạn chế phạm luật.

Vượt xe là gì?

Theo Khoản 52 Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT thì vượt xe là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước; khi vượt, các xe phải vượt về bên trái (trừ các trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ).

Xe đi với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về phần đường bên phải của phần xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

Nguyên tắc cần phải tuân thủ khi muốn vượt xe

- Khi vượt các xe phải vượt bên trái; trường hợp khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái hoặc khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái thì được vượt về bên phải.

- Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác, đã có tín hiệu rẽ phải và tránh về bên phải.

  • Từ 1/1/2025, hàng triệu tài xế nên nắm rõ quy định về vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt

    Từ 1/1/2025, hàng triệu tài xế nên nắm rõ quy định về vượt xe và nhường đường cho xe xin vượtĐỌC NGAY

- Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước phải quan sát phần đường phía trước, nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, có tín hiệu rẽ phải để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết được vượt và đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được cản trở đối với xe xin vượt.

- Trường hợp có chướng ngại vật hoặc không đủ điều kiện an toàn thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước có tín hiệu rẽ trái để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết là chưa được vượt.

- Xe xin vượt phải có báo hiệu nhấp nháy bằng đèn chiếu sáng phía trước hoặc còi, trừ loại xe thô sơ không có đèn chiếu sáng và còi, khi vượt xe phải có tín hiệu báo hướng chuyển, tín hiệu báo hướng chuyển được sử dụng, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía trước và phía sau trong suốt quá trình vượt xe; trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

Hướng dẫn cách vượt xe ô tô cùng chiều an toàn nhất, lái xe nên tham khảo hạn chế phạm luật - Ảnh 2.
Vượt xe là tình huống giao thông trên đường mà mỗi chiều đường xe chạy chỉ có một làn đường dành cho xe cơ giới, xe đi phía sau di chuyển sang bên trái để di chuyển lên trước xe phía trước. Ảnh minh họa: TL

Hướng dẫn cách vượt xe ô tô cùng chiều an toàn nhất

Không đi quá sát xe phía trước khi vượt

Không nên chạy gần quá sát xe phía trước. Hành động này có thể khiến tầm quan sát của người lái bị hạn chế, làm cho đường phía trước trở nên khó thấy rõ và giảm khả năng xử lý các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, nếu đột ngột xuất hiện chướng ngại vật trên đường hoặc có xe đi ngược chiều thì vô cùng nguy hiểm.

Không vượt ngay khi ra tín hiệu xin vượt

Trước khi quyết định vượt, người lái cần bật đèn xi nhan, bấm còi hoặc nháy đèn pha để thông báo ý định vượt cho xe phía trước. Sau khi đã ra tín hiệu, đừng nên vượt ngay lập tức. Hãy chờ vài giây để đảm bảo rằng xe phía trước đã nhận được tín hiệu và có thể phản hồi.

Nếu thấy xe phía trước bật đèn xi nhan theo hướng định vượt hoặc bật đèn báo khẩn cấp, tuyệt đối không vượt. Bên cạnh đó, nếu thấy xe phía trước bật đèn xi nhan sang phải hoặc hướng nhẹ về phía bên phải của phần đường nghĩa là họ đang nhường đường và cho phép vượt.

Vượt dứt khoát

Khi quyết định vượt một xe ô tô, người lái cần đạp ga vượt dứt khoát. Không nên lưỡng lự, chần chừ hoặc chạy song song với xe bên cạnh quá lâu. Trong trường hợp cảm thấy lo lắng thì khi chạy đến vị trí ngang với đầu xe phía trước, hãy giữ lại tốc độ trong khoảng 1 - 2 giây để quan sát. Nếu cảm thấy rằng đường trước đó an toàn và thông thoáng thì đạp ga dứt khoác để xe chạy vượt lên trên.

Đảm bảo an toàn mới nhập lại làn

Sau khi vượt lên trước một xe khác, đừng nhập lại làn ngay lập tức. Hãy quan sát gương chiếu hậu để chắc chắn đã tạo đủ khoảng cách an toàn với xe vừa mới cho nhập lại làn. Tuyệt đối không cúp đầu xe vừa vượt vì điều này có thể tạo ra tình huống xung đột với xe khác.

Duy trì tốc độ cao hơn khi vượt

Sau khi đã vượt qua một xe khác nên duy trì tốc độ xe cao hơn. Tránh tình trạng vừa vượt xong mà rà phanh hoặc giảm tốc độ đột ngột, bởi hành động này rất nguy hiểm và có thể gây ra tình huống nguy hiểm cho xe phía sau.

Hướng dẫn cách vượt xe ô tô cùng chiều an toàn nhất, lái xe nên tham khảo hạn chế phạm luật - Ảnh 3.
Để vượt xe ô tô an toàn, người lái lưu ý không được nóng vội. Ảnh minh họa: TL

Kinh nghiệm, lưu ý khi vượt xe

Để vượt xe ô tô an toàn, người lái lưu ý một số điều sau:

Không nóng vội

Khi vượt xe, không chỉ việc xem xét tình trạng đường sá, tình hình giao thông quan trọng, mà kỹ năng lái, khả năng tăng tốc của xe cũng ảnh hưởng rất nhiều. Do đó lái xe cần quan sát, tính toán kỹ trước khi vượt, luôn đặt an toàn lên hàng đầu, nhất là khi vượt xe trên cao tốc.

Không vượt một lúc nhiều xe

Không nên vượt một lúc nhiều xe bởi rất nguy hiểm. Khi này người lái sẽ khó quan sát hết diễn biến tình hình phía trước, khó kiểm soát được tốc độ xe, cũng như khó kịp thời báo hiệu xin vượt với các xe phía trước. Riêng với trường hợp xe di chuyển thành đoàn có tốc độ ổn định và sát về bên phải thì có thể cân nhắc vượt nếu đảm bảo đủ điều kiện an toàn.

Không vượt nối đuôi

Nếu đang định vượt mà thấy xe phía trước cũng bắt đầu vượt thì nên rà phanh, giảm tốc độ ngay. Hãy đợi xe phía trước vượt xong, tình hình thông thoáng, ổn định rồi vượt. Tuyệt đối không nối đuôi xe đang vượt để vượt theo. Lúc này người lái sẽ hoàn toàn rơi vào tình huống bị động, không quan sát được diễn biến phía trước. Nếu gặp xe chạy người chiều đi đến sẽ rất nguy hiểm.

Nên chừa một khoảng cách an toàn khi vượt

Khi vượt xe nên chừa một khoảng cách an toàn với xe bên cạnh, tối thiểu nên là một nửa chiều rộng thân xe. Điều này phòng khi xe bên cạnh đột ngột chuyển hướng né tránh chướng ngại vật thì tránh va chạm với xe mình. Đây cũng là một kinh nghiệm hữu ích nên áp dụng khi ô tô vượt xe máy lấn làn.

Không vượt nếu xe phía trước đã chạy tốc độ tối đa

Nếu xe phía trước đã chạy tốc độ tối đa cho phép thì tuyệt đối không vượt. Bởi nếu vượt, người lái buộc phải cho xe chạy lớn hơn. Điều này đồng nghĩa đã vi phạm lỗi chạy quá tốc độ cho phép. Do đó trong tình huống này không nên vượt, thay vào đó chỉ nên duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước.

Tránh các trường hợp không được phép vượt xe

Nếu có ý định vượt xe, các tài xế cũng cần lưu ý một số trường hợp không được phép vượt xe được quy định tại Khoản 5 điều 14 Luật Giao thông đường bộ sau đây:

- Trên cầu hẹp có một làn xe.

- Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế.

- Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.

- Xe ưu tiên như xe cấp cứu, xe cứu hỏa… đang phát tín hiệu ưu tiên khi làm nhiệm vụ.

- Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

- Khi không đảm bảo các điều kiện được vượt xe.

Vượt xe không đúng quy định đối với xe ô tô bị phạt như thế nào?

Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

- Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

- Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt; không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp khác: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

- Vượt xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.