Ba thói quen 'không đau đớn' giúp 9X thoát cảnh nợ nần
Tự nấu đồ ăn, ghi chép chi tiêu... là một số thói quen giúp 9X có nền tảng tài chính tốt hơn, thoát nợ.
Mu Qi, một chuyên gia về lối sống tối giản ở Trung Quốc, sinh năm 1990, cho biết lúc còn đôi mươi, cô không nhận ra được sự quan trọng của tiền bạc, hay tiêu xài hoang phí, vay mượn bạn bè, người thân. Nhưng đến khi trải qua các va vấp, nợ nần, cô mới biết giữ được tiền trong tay là rất quan trọng, giúp bạn đứng dậy sau mỗi trở ngại nhanh hơn. Dưới đây là ba thói quen dễ thực hiện của Mu Qi, giúp thoát nợ và tiết kiệm tiền hiệu quả.
1. Tự nấu đồ ăn
Mu Qi đưa ra một ví dụ, một nhân viên văn phòng ở Trung Quốc thường chi cho bữa sáng là 10 tệ, bữa trưa là 30 tệ và bữa tối là 20 tệ. Do đó, họ cần chi ít nhất là 60 tệ (khoảng 200.000 đồng) để ăn trong một ngày. Cô nhẩm tính nếu ăn ngoài liên tục như vậy, một người sẽ tốn 1.320 tệ mỗi tháng, tức 15.840 nhân dân tệ cho một năm. Cô thấy choáng ngợp về con số nếu họ ăn ngoài trong 5 năm, 10 năm.
Mu Qi cũng chưa tính tới giá cả tăng cao và lạm phát; không bao gồm số tiền chi cho việc hút thuốc và uống rượu; trà sữa, cà phê và đồ ăn nhẹ; đồ ăn nhẹ vào đêm khuya khi đói vào ban đêm.
Với con số đáng ngạc nhiên về số tiền phải chi nếu ăn ngoài, Mu Qi quyết định tự nấu ăn nhiều nhất có thể. Cô gợi ý bạn trẻ bớt gọi đồ ăn ngoài vào cuối tuần, học cách tự nấu ăn, dậy sớm làm bữa sáng cho mình và mang đồ đi ăn trưa. Hơn nữa, tự nấu nướng sẽ đảm bảo hơn về mặt vệ sinh, sức khỏe.
2. Cảnh giác với các bẫy tiêu dùng
Để kích thích hoặc tạo ra nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn, các thương gia và công ty tiếp thị sẽ luôn đưa ra các chiêu bài quảng cáo, khuyến khích mọi người mua nhiều sản phẩm mà họ không cần. Thực tế, khi bình tĩnh lại, bạn sẽ thấy rằng nhiều khi đó không phải là điều bạn thích và nhiều chức năng của sản phẩm bị phóng đại hơn so với thực tế.
Tác giả bài viết - Mu Qi - nhớ lại thời còn học đại học, dù đang còn trẻ và xinh đẹp, cô đã chi ra 2.000 tệ mua sản phẩm loại bỏ vết thâm trong khi không thực sự cần, bởi quảng cáo từ người bán quá hấp dẫn. Tuy nhiên, vì chỉ có trong người 1.500 tệ sinh hoạt phí mỗi tháng nên cô phải ra sức làm thêm, rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng.
3. Ghi chép chi tiêu hàng ngày
Mu Qi hiện dùng một app kế toán, ghi lại mọi chi phí của cô trong ngày. Đó là chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiêu dùng giải trí, chi phí học tập, quỹ đầu tư cố định... Điều này giúp cô tránh khỏi tình trạng nợ nần, tiêu xài hoang phí lúc trước.
Nhờ ghi chép chi tiêu, Mu Qi nằm được tóm tắt nguồn tiền hàng tháng, tìm lý do cho từng khoản chi, lập kế hoạch tiêu dùng cho tháng tiếp theo.
>> Ba cách giảm chi tiêu học được từ mẹ
Hằng Trần (Theo Sohu)