Giá bất động sản các quận, huyện ngoại thành Hà Nội tăng mạnh
Giá bất động sản Hà Nội dù liên tục tăng mạnh nhưng người mua và nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại giá còn tăng hay khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở có hiệu lực, bởi giá đất và các chi phí hình thành nên sản phẩm sẽ tăng cao.
Thị trường bất động sản tại các quận, huyện ven đô Hà Nội đã tăng chóng mặt thời gian qua. Đặc biệt, mới đây nhất hàng ngàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá 68 lô đất ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) có lô đất đấu giá trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2 đang thu hút quan tâm của dư luận.
Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Trọng Khiển, phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội), lô trúng đấu giá cao nhất có mức giá hơn 100 triệu đồng/m2, những lô đất thấp nhất cũng hơn 50 triệu đồng/m2. Lô hơn 100 triệu đồng/m2 đất đấu giá không có gì bất thường, quy trình tổ chức đấu giá và buổi đấu giá diễn ra an toàn tuyệt đối.
Ông Khiển cho hay những lô đất trúng đấu giá ở mức cao đều nằm ngoài mặt đường, trong đó có lô đất trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2. Trước đó hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất được bán ra hàng ngàn bộ, hơn 1.500 khách hàng.
Quan sát thực tế cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay, bất động sản các quận, huyện vùng ven Hà Nội liên tục sốt nóng đặc biệt bất động sản thấp tầng bám theo các trục vành đai 3,5 và vành đai 4 đang được cấp tốc xây dựng. Khảo sát thực tế cho thấy, giá biệt thự, liền kề tại các huyện ven đô như Hoài Đức, Đan Phượng đã chạm ngưỡng 200 triệu đồng/m2.
Xa một chút về phía Nam, bám theo các trục vành đai này giá bất động sản tại Thường Tín, Thanh Trì cũng tăng giá chóng mặt. Ghi nhận thực tế cho thấy phân khúc thấp tầng đã lên mức từ 100-150 triệu đồng/m2. Thậm chí nhiều dự án vừa ra hàng đã hết.
Giá bất động sản Hà Nội dù liên tục tăng mạnh nhưng người mua và nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại giá còn tăng hay khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở có hiệu lực, bởi giá đất và các chi phí hình thành nên sản phẩm sẽ tăng cao. Cùng với đó, tình trạng cạn kiệt nguồn cung khiến các dự án hiện hữu càng có giá.
Không chỉ tăng giá do tác động của hạ tầng và các Luật, các chuyên gia cũng cho rằng phân khúc thấp tầng tại các quận huyện vùng ven Hà Nội sẽ còn tăng trong tương là bởi sự co cụm của giới đầu tư Hà Nội. Sau giai đoạn "đánh bắt xa bờ", hiện nay các tay to trên thị trường đều nhận ra một điều "đầu tư khắp nơi không bằng chốt lời tại Hà Nội".
"Nhóm nhà đầu tư tại Hà Nội là số một cả nước cả về số lượng, độ nhanh nhạy về thông tin và am hiểu thị trường. Sau thời gian dài đi đầu tư khắp cả nước, thời gian gần đây, họ đang rút về Hà Nội để tìm kiếm cơ hội. Việc nhóm các nhà đầu tư mua đi bán lại với một lượng tiền lớn đã làm thị trường bất động sản tạo lập mặt bằng giá mới. Sau sự sốt nóng của phân khúc chung cư thì biệt thự, nhà liền kề chính là điểm nóng tiếp theo của thị trường", chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản Trần Minh khẳng định.
Khảo sát cho thấy những khu vực như Long Biên, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm...thậm chí cả Văn Giang (Hưng Yên) đều ghi nhận mức độ tăng giá lên đến hơn 100% trong vòng 3 năm trở lại đây. Dự báo, mức tăng này còn chưa dừng lại khi sắp tới 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào năm 2025 và 3 huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì lên quận vào năm 2026.
Đặc biệt, một thị trường mới là Thường Tín cũng đang được giới đầu tư để mắt khi nơi đây đang được định hướng phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Cùng với đó, quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội và Thành phố phía Nam cũng đang khiến giới đầu tư đổ dồn vào khu vực này.
Trao đổi với chúng tôi, một môi giới kỳ cựu với 20 năm kinh nghiệm tại Thường Tín cho biết từ cuối năm 2023, giá bất động sản tại đây nhích nhẹ lên dần và tăng mạnh từ đầu năm 2024. Đặc biệt, những sản phẩm shophouse thấp tầng như Him Lam Thường Tín đang được mua bán và sang nhượng mạnh trên thị trường thứ cấp.
Lần theo dấu chân nhà đầu tư bất động sản từ tháng 3 trở lại đây có thể nhận thấy, sau hầu hết những nhà đầu tư còn tiền, hoặc có tiền gửi ngân hàng đã rút hết và cho tiền vào đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều khu biệt thự, liền kề bỗng trở nên có sóng vào giai đoạn tháng 3-5 như Him Lam Thường Tín, Vinhomes Ocean Park 2-3 (Gia Lâm - Văn Giang). Thậm chí, nhiều khu đô thị bỏ hoang cả chục năm cũng được nhà đầu tư săn lùng mua như Phonix Garden (Đan Phượng) hay Nam An Khánh (Hoài Đức)...
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khi bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn khá trầm lắng, đất nền các tỉnh đang chờ thời, chung cư nội đô quá nóng thì biệt thự, liền kề ven đô vẫn là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư khi vừa đảm bảo về tính ăn chắc mặc bền vừa có tiềm năng tăng giá cao.
"Hiện thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội đã cạn nguồn cung sản phẩm nội đô thì buộc nhu cầu ở thấp tầng sẽ phải dịch chuyển ra ngoại thành, đây cũng sẽ là động lực tiếp tục tăng giá của phân khúc này trong tương lai", ông Đính khẳng định.