Tiêu chí trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới nhất
Sau đây là quy định về các tiêu chí để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tiêu chí trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới nhất (Hình từ Internet)
1. Di sản văn hóa phi vật thể là gì?
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009) thì di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
2. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 98/2010/NĐ-CP thì di sản văn hóa phi vật thể bao gồm:
- Tiếng nói, chữ viết;
- Ngữ văn dân gian;
- Nghệ thuật trình diễn dân gian;
- Tập quán xã hội và tín ngưỡng;
- Lễ hội truyền thống;
- Nghề thủ công truyền thống;
- Tri thức dân gian.
3. Tiêu chí trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới nhất
Tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Điều 5 Nghị định 98/2010/NĐ-CP như sau:
- Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương.
- Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ.
- Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài.
- Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
4. Tiêu chí lựa chọn và trình tự, thủ tục lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp
Tiêu chí lựa chọn và trình tự, thủ tục lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp theo Điều 6 Nghị định 98/2010/NĐ-CP như sau:
- Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được lựa chọn theo các tiêu chí sau đây:
+ Là di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
+ Có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học;
+ Thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo và là cơ sở cho sự sáng tạo những giá trị văn hóa mới;
+ Có phạm vi và mức độ ảnh hưởng mang tính quốc gia và quốc tế về lịch sử, văn hóa, khoa học;
+ Đáp ứng tiêu chí lựa chọn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
- Trình tự, thủ tục lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu:
+ Căn cứ Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 98/2010/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có di sản văn hóa phi vật thể có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình UNESCO.
Trong trường hợp xét thấy di sản văn hóa phi vật thể đó chưa đủ điều kiện trình UNESCO, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị;
+ Sau khi được phép của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thẩm định và đề nghị Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia có ý kiến về hồ sơ. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tiến hành thẩm định và có ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ;
+ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hoàn thiện các thủ tục để gửi hồ sơ tới UNESCO theo quy định.
- Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị của cộng đồng hoặc cá nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được lập theo quy định của UNESCO;
+ Văn bản thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
+ Văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cộng đồng hoặc cá nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể về quyết định của UNESCO đối với di sản văn hóa phi vật thể đó.