Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” từ 01/10/2024
Để xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” từ 01/10/2024 thì cá nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” từ 01/10/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 12/8/2024, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư 02/2024/TT-VKSNDTC quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” là gì?
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” là hình thức ghi nhận, khen thưởng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho cá nhân đã và đang công tác trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, cá nhân ngoài hệ thống Viện kiểm sát nhân dân có thành tích đóng góp vào quá trình phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân.
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” chỉ xét tặng một lần cho mỗi cá nhân. Hằng năm, xét tặng cho cá nhân vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Ngành (ngày 26 tháng 7); những trường hợp cần thiết hoặc đột xuất do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân xem xét, quyết định.
(Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư 02/2024/TT-VKSNDTC)
Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” từ 01/10/2024
Theo khoản 3 Điều 21 Thông tư 02/2024/TT-VKSNDTC, để xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” từ 01/10/2024 thì cá nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
(1) Đối với cá nhân công tác trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân:
- Công tác liên tục đủ 15 năm, có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì được tặng Kỷ niệm chương. Trường hợp được cử đi biệt phái, đi học hoặc tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó tiếp tục công tác thì thời gian đi biệt phái, đi học hoặc tham gia nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian công tác trong Ngành để xét tặng Kỷ niệm chương. Trường hợp trong thời gian công tác, cá nhân bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì thời gian thi hành kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương;
- Đã làm công tác pháp luật ở ngành khác chuyển sang công tác trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân thì thời gian làm công tác pháp luật trong ngành khác được tính vào thời gian để xét tặng Kỷ niệm chương, nhưng phải có ít nhất 05 năm công tác trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân;
- Có 08 năm liên tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên thuộc các đơn vị trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân;
- Các trường hợp không tính thâm niên công tác khi xét, tặng Kỷ niệm chương: Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng.
(2) Đối với cá nhân ngoài hệ thống Viện kiểm sát nhân dân: Có nhiều thành tích đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân, được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành đề nghị.
Các trường hợp được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” trước thời hạn
Các trường hợp được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” trước thời hạn bao gồm:
- Cá nhân được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được xét tặng Kỷ niệm chương trước niên hạn 02 năm;
- Cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” được xét tặng Kỷ niệm chương trước niên hạn 01 năm.
(Khoản 4 Điều 21 Thông tư 02/2024/TT-VKSNDTC)
Các trường hợp chưa xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát”
Cụ thể tại khoản 6 Điều 21 Thông tư 02/2024/TT-VKSNDTC, các trường hợp chưa xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” gồm:
- Cá nhân đang trong thời gian thi hành kỷ luật;
- Cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại tố cáo đang được xác minh, làm rõ.
Xem thêm tại Thông tư 02/2024/TT-VKSNDTC có hiệu lực ngày 10/10/2024.