Quy định can thiệp thị trường ngoại hối trong nước
Theo Thông tư 43/2024/TT-NHNN thì Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường ngoại hối trong nước thông qua các hình thức sau đây.
Ngày 09/8/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Quy định can thiệp thị trường ngoại hối trong nước
Theo đó, quy định can thiệp thị trường ngoại hối trong nước như sau:
(1) Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường trong nước thông qua các hình thức sau:
(1.1) Mua, bán ngoại tệ với đồng Việt Nam dưới hình thức mua, bán ngoại tệ giao ngay; mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; mua, bán quyền chọn mua, quyền chọn bán ngoại tệ hoặc các hình thức mua bán khác do Thống đốc quyết định;
(1.2) Hoán đổi ngoại tệ với đồng Việt Nam;
(1.3) Các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(2) Vụ Chính sách tiền tệ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:
- Báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được quy định tại điểm (1.3);
- Trình Thống đốc quyết định các hình thức mua bán khác được quy định tại điểm (1.1);
- Đề xuất phương án can thiệp thị trường trong nước báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc phê duyệt.
(3) Việc bán ngoại tệ cho các dự án đã được Chính phủ bảo lãnh và cam kết chuyển đổi ngoại tệ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn quy trình chuyển đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho các dự án được Chính phủ cam kết bảo lãnh và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ.
(4) Nội dung phương án can thiệp thị trường trong nước bao gồm: Thời gian can thiệp, loại ngoại tệ can thiệp, tỷ giá can thiệp, số lượng ngoại tệ can thiệp, hình thức can thiệp, đối tác thực hiện can thiệp và các nội dung khác có liên quan.
(5) Cơ sở xây dựng phương án can thiệp thị trường trong nước:
- Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá;
- Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước;
- Các nội dung có liên quan về tình hình thị trường ngoại tệ và/hoặc tình hình thanh khoản đồng Việt Nam;
- Các yếu tố khác (nếu cần thiết).
(6) Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện phương án can thiệp thị trường trong nước đã được phê duyệt.
Quy định can thiệp thị trường ngoại hối trong nước (Hình từ internet)
Can thiệp thị trường trong nước là gì?
Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 50/2014/NĐ-CP, can thiệp thị trường trong nước là việc Ngân hàng Nhà nước mua, bán, hoán đổi ngoại tệ và vàng và thực hiện các hình thức can thiệp khác trên thị trường trong nước.
Đồng thời tại Điều 18 Nghị định 50/2014/NĐ-CP quy định can thiệp thị trường trong nước như sau:
- Căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia và tình hình biến động tỷ giá và giá vàng trên thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế can thiệp thị trường trong nước trong từng thời kỳ.
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định phương án can thiệp cụ thể, bao gồm:
+ Thời điểm can thiệp;
+ Loại ngoại tệ, số lượng ngoại tệ và khối lượng vàng can thiệp;
+ Tỷ giá và giá vàng can thiệp;
+ Hình thức can thiệp bao gồm mua, bán, hoán đổi ngoại tệ và vàng;
+ Đối tác thực hiện can thiệp;
+ Việc chuyển đổi từ vàng tiêu chuẩn quốc tế sang vàng khác và ngược lại khi cần thiết;
+ Các nội dung khác có liên quan,
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hình thức can thiệp khác ngoài các hình thức can thiệp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 18 Nghị định 50/2014/NĐ-CP.