Tái cơ cấu, Nhà máy đóng tàu Dung Quất làm ăn ra sao?

Theo Thành Vân 14/08/2024 12:20

Kết quả hoạt động kinh doanh Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) trong 5 năm gần nhất 2019-2023 có sự tăng trưởng so với giai đoạn từ 2016-2018.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có báo cáo liên quan đến Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương.

Đối với phương án tái cơ cấu đối với DQS, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại Văn bản số 690/UBQLV-NL ngày 19/4/2023 về việc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan đến Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã báo cáo Ủy ban quản lý vốn nhà nước Phương án tiếp tục tái cơ cấu DQS.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có ý kiến bằng văn bản thống nhất thực hiện Phương án tái cơ cấu DQS. Điều này nhằm lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo các yếu tố về an ninh, năng lực sản xuất.

Đặc biệt, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển khu kinh tế Dung Quất và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

photo-1723612646479
Doanh thu năm 2023 của DQS ghi nhận hơn 790 tỷ đồng. Ảnh: DQS.

Ngày 20/6/2024, tại cuộc họp về chủ trương, phương án xử lý đối với DQS, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn cùng với PVN khẩn trương sớm hoàn thiện lại Đề án để trình cấp thầm quyền bảo đảm giải pháp có tính khả thi, hiệu quả, đạt mục tiêu và thời hạn theo yêu cầu.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, kết quả hoạt động kinh doanh DQS trong 5 năm gần nhất 2019-2023 có sự tăng trưởng so với giai đoạn từ 2016-2018. Doanh thu qua các năm giai đoạn 2019-2023 đều có tăng trưởng.

Cụ thể, doanh thu năm 2022 hơn 757 tỷ đồng, đạt 190% so với năm 2021 (396 tỷ đồng) và 180% so với doanh thu năm 2018 (421 tỷ đồng). Doanh thu năm 2023 hơn 790 tỷ đồng, đạt 104% so với năm 2022.

Tổng lợi nhuận 5 năm giai đoạn 2019-2023 là 65 tỷ đồng, EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) dương 353 tỷ đồng, thể hiện DQS đã có lãi trên biến phí và bù đắp được một phần chi phí.

Trước đó, hồi tháng 3/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, cho ý kiến về phương án xử lý đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ sở các giả định về thị trường, sử dụng 100% năng lực của DQS và các đề xuất xử lý tồn tại, vướng mắc hiện nay của DQS được chấp thuận, thực hiện, PVN dự kiến 2 kịch bản về kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2023-2035 của Công ty này.

Theo đó, kịch bản thứ nhất, tái cơ cấu và chỉ đầu tư thêm cầu tàu và các hạng mục phụ trợ, doanh thu bình quân giai đoạn 2023-2025 khoảng 1.313 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 64 tỷ đồng/năm.

Kịch bản thứ hai, tái cơ cấu và đầu tư thêm cầu tàu và các hạng mục phụ trợ, hạng mục phá dỡ tàu biển, doanh thu bình quân khoảng 1.499 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 65 tỷ đồng/năm.

Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được thành lập ngày 20/02/2006 là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam.

Thực hiện chiến lược tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam của Chính phủ, ngày 1/7/2010, DQS được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý, khai thác.

Theo Thành Vân