Đa dạng trải nghiệm công nghệ giáo dục tại EdTech EXPO 2024
Triển lãm Công nghệ Giáo dục Việt Nam 2024 (Edtech Expo 2024) vừa diễn ra tại Hà Nội với sự góp mặt của đông đảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực Edtech. Đây là minh chứng cho sự bùng nổ của các sản phẩm Công nghệ Giáo dục trong thời đại hiện nay.
Công nghệ đóng vai trò cầu nối, giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đem lại những phương pháp giảng dạy, học tập hiệu quả và sáng tạo
Edtech Expo 2024 là sự kiện mà các doanh nghiệp, nhà giáo dục và nhà đầu tư, các công ty công nghệ có cơ hội gặp gỡ, kết nối và trao đổi về các xu hướng mới trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech) trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Sự kiện quy tụ các công ty công nghệ lớn như ViewSonic, Samsung, Amazon Web Services (AWS), G-AsiaPacific, KiddiHub và nhiều đơn vị Edtech như AES, LearningSpark, với các giải pháp như hệ thống quản lý học tập (LMS) Hành Trang Số, phần mềm giáo dục, đến các thiết bị học tập thông minh và dịch vụ đám mây.
Phát biểu tại Triển lãm, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tô Hồng Nam nhận định, công nghệ đóng vai trò cầu nối, giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đem lại những phương pháp giảng dạy, học tập hiệu quả và sáng tạo. Tiềm năng của EdTech rất lớn, công nghệ có thể giúp các trường học quản lý thông qua cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tiếp; quản trị nguồn nhân lực, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, tài chính; đặc biệt là dạy học trực tuyến…
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức Edtech Expo 2024 công bố Sách Trắng Edtech và bảng xếp hạng Edtech 2024 do Edtech Agency và hội đồng chuyên gia cố vấn thực hiện. Đây là tài liệu tham khảo quan trọng cung cấp cái nhìn toàn diện về thị trường Edtech, bao gồm các số liệu, phân tích và dự báo về xu hướng phát triển của công nghệ trong tương lai. Từ đó, hỗ trợ các đơn vị đào tạo, trường học tìm kiếm được các sản phẩm tối ưu từ các doanh nghiệp, đồng thời, giúp doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng sử dụng của người dùng các sản phẩm trên thị trường.
Các sản phẩm phân khúc B2C có tích hợp AI để tăng cường trải nghiệm và hỗ trợ cá nhân hoá người học sẽ tiếp tục bùng nổ
Theo Sách trắng Edtech Việt Nam 2024, năm nay sẽ bùng nổ các sản phẩm phân khúc B2C có tích hợp AI để tăng cường trải nghiệm và hỗ trợ cá nhân hoá người học. Đặc biệt là các sản phẩm phân khúc học ngoại ngữ. Đây là phân khúc thu hút nhiều đầu tư nhất, đồng thời nhiều các sản phẩm EdTech quốc tế thâm nhập vào phân khúc này trong năm 2023, 2024 như Testglider, Ielts science…
Các sản phẩm EdTech Việt Nam phân bố trên mọi phân khúc nhưng tập trung chính vào phân khúc ngoại ngữ và đào tạo K-12 (giáo dục mầm non và phổ thông). Đây là mảng thu hút nhất đầu tư vì thị trường rộng lớn và người dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm trong phân khúc này nhiều hơn.
Đào tạo upskill (nâng cao kỹ năng) và reskill (tái đào tạo kỹ năng) vẫn tiếp tục tăng. Ngoài ra, sản phẩm đào tạo kỹ năng, đặc biệt là các khóa học về AI, lập trình, công nghệ sẽ tiếp tục thu hút đầu tư do chính sách của Chính phủ đầu tư phát triển nhân lực công nghệ.
Nhiều công nghệ giáo dục mới được giới thiệu tại Edtech Expo 2024
Thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam ngày càng đa dạng các sản phẩm. Các công nghệ được triển khai ứng dụng trong các sản phẩm EdTech cho học sinh từ giáo dục mầm non và phổ thông.
Tại Edtech Expo 2024, nhiều công nghệ giáo dục mới được các doanh nghiệp giáo dục và Công nghệ giáo dục trong nước và quốc tế giới thiệu tại các gian hàng của triển lãm, ghi nhận sự chú ý của đông đảo người tham gia. Nhiều khách mời bày tỏ sự quan tâm đến Hành Trang Số, hệ thống quản lý học tập (LMS) được phát triển bởi Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục AES.
Trên Hành Trang Số, ngoài phiên bản số hóa của sách giáo khoa và kho học liệu điện tử dạng tương tác một chiều và tương tác hai chiều, nền tảng còn cập nhật các tính năng nâng cao, hỗ trợ cho học sinh và giáo viên trong việc học tập và giảng dạy một cách tối ưu nhất.
Số liệu từ Statista cho thấy doanh thu trên thị trường giáo dục trực tuyến dự kiến sẽ đạt 364,70 triệu USD vào năm 2024 và đạt mức 487,60 triệu USD vào năm 2027. Số lượng người dùng giáo dục trực tuyến dự kiến sẽ lên tới 9,7 triệu người dùng vào năm 2029. Tỷ lệ thâm nhập của người dùng trong phân khúc này sẽ là 7,1% vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 9,4% vào năm 2029.