Người lớn có cần tiêm vaccine phòng sởi?
Bệnh sởi, từng được xem là căn bệnh "chỉ dành cho trẻ em" nhưng thực tế lại có thể tấn công cả người lớn với những biến chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm. Virus này có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt trong nhiều giờ, khiến bệnh sởi dễ lây lan trong môi trường cộng đồng.
Trẻ em là nhóm dễ mắc bệnh sởi nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là người lớn miễn nhiễm. Thực tế, những người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ nguy cơ cao bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với virus.
Điều đáng lo ngại là bệnh sởi ở người lớn thường có xu hướng diễn tiến nặng hơn so với trẻ em. Những biến chứng có thể gặp phải gồm viêm não, liệt, động kinh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nguy cơ này xuất phát từ việc nhiều người trưởng thành chưa từng tiếp xúc với virus sởi khi còn nhỏ, hoặc chưa tiêm vaccine phòng ngừa. Một quan niệm sai lầm phổ biến là "chỉ trẻ em mới mắc sởi", khiến nhiều người lớn chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh.
Tại sao người lớn nên tiêm vaccine phòng bệnh sởi?
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi không chỉ là biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn là hành động cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Đảm bảo miễn dịch đầy đủ
Vaccine sởi được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có miễn dịch đủ mạnh để chống lại virus sởi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người chưa bao giờ tiếp xúc với virus sởi hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine, dẫn đến hệ miễn dịch không đủ khả năng chống lại bệnh. Những người này, đặc biệt là người lớn, cần tiêm vaccine để củng cố miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ngăn chặn lây lan dịch bệnh
Người lớn mắc bệnh sởi có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho trẻ em và người khác trong cộng đồng, đặc biệt là những người chưa có miễn dịch như trẻ sơ sinh, người có hệ miễn dịch yếu hoặc những người không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe. Khi người lớn được tiêm phòng đầy đủ, nguy cơ lây lan virus trong cộng đồng sẽ giảm đi đáng kể, giúp ngăn chặn các đợt bùng phát dịch.
Bảo vệ sức khỏe sinh sản
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiêm vaccine sởi là vô cùng quan trọng. Nhiễm sởi trong thai kỳ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên tiêm vaccine sởi ít nhất ba tháng trước khi mang thai để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Những ai cần tiêm vaccine sởi?
Mặc dù vaccine sởi là cần thiết cho hầu hết mọi người, nhưng có một số đối tượng đặc biệt cần chú ý:
Người chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vaccine đầy đủ.
Những người không nhớ rõ mình tiêm vaccine sởi hay chưa, hoặc chỉ tiêm một liều khi còn nhỏ, nên tiêm bổ sung để đảm bảo đủ miễn dịch. Theo khuyến cáo, người lớn nên tiêm hai liều vaccine sởi, cách nhau ít nhất 28 ngày, để đạt hiệu quả phòng bệnh tối ưu.
Người làm việc trong môi trường nguy cơ cao
Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, chẳng hạn như nhân viên y tế, giáo viên, hoặc người làm việc tại các khu vực đông đúc, nên tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và người xung quanh.
Những lưu ý khi tiêm vaccine sởi cho người lớn
Mặc dù vaccine sởi an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng vẫn có trường hợp cần thận trọng hoặc thậm chí tránh tiêm, các trường hợp này bao gồm:
- Người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine, đặc biệt là gelatin hoặc neomycin.
- Người đang bị bệnh cấp tính hoặc sốt cao nên chờ đến khi hồi phục hoàn toàn trước khi tiêm vaccine.
- Người có hệ miễn dịch bị suy yếu, chẳng hạn như những người đang điều trị bằng corticosteroid liều cao hoặc hóa trị liệu, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm vaccine.
- Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vaccine sởi. Nếu bạn dự định mang thai, hãy tiêm vaccine sởi trước ít nhất ba tháng để đảm bảo an toàn cho thai nhi.