4 tác dụng phụ của việc ăn quá nhiều trứng
Trứng được biết có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn quá nhiều trứng có thể gây ra rủi ro cho một số người, đặc biệt là những người có tình trạng bệnh lý.
1. Lợi ích sức khỏe của trứng
Trứng là loại thực phẩm ít calo, mỗi loại chứa 6g protein, một lượng chất béo không bão hòa đơn cao đáng ngạc nhiên, choline tăng cường trí não cũng như lutein và zeaxanthin, hai chất chống oxy hóa được biết đến với tác dụng hỗ trợ sức khỏe của mắt.
Trứng không chứa đường và có hàm lượng natri thấp tự nhiên. Một số nghiên cứu còn cho thấy những người ăn trứng có khả năng áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, những người khỏe mạnh có thể ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày.
BS. Howard LeWine, Tổng biên tập, Harvard Men's Health Watch cho biết: Trong khi các nghiên cứu gần đây vẫn chưa đưa ra câu trả lời nhất quán, thì một người khỏe mạnh trung bình có thể không bị tổn hại gì khi ăn bảy quả trứng mỗi tuần. Trên thực tế, trứng là một loại thực phẩm bổ dưỡng. Chúng tương đối ít calo và chất béo bão hòa, giàu protein, vitamin, khoáng chất. Chúng cũng chứa các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như lutein và zeaxanthin, tốt cho mắt, và choline, giúp hỗ trợ não và hệ thần kinh.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến lượng trứng nên giới hạn đối với mỗi cá nhân. Nếu bị bệnh tim hoặc đái tháo đường, hãy nói chuyện với bác sĩ để xác định ăn bao nhiêu trứng là tốt nhất.
2. Tác dụng phụ của việc ăn quá nhiều trứng mỗi ngày
Nếu ăn quá nhiều trứng có thể gặp phải những tác dụng phụ khó lường. Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể xảy ra mà có nhiều khả năng gặp phải nếu có thói quen ăn quá nhiều trứng, hơn 12 quả trứng mỗi tuần.
Quá nhiều cholesterol
Vẫn còn nhiều tranh cãi về câu hỏi liệu trứng có làm tăng cholesterol hay không. Trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia tin rằng cholesterol trong lòng đỏ trứng góp phần trực tiếp làm tăng cholesterol trong máu, tuy nhiên, hiện nay có vẻ như các yếu tố khác trong chế độ ăn uống và lịch sử sức khỏe có thể có tác động mạnh hơn.
Trứng có chứa lượng cholesterol cao, khoảng 190mg mỗi quả trong khi các hướng dẫn về cholesterol trước đây khuyến nghị không nên ăn quá 300 mg cholesterol trong chế độ ăn mỗi ngày. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào các loại thực phẩm khác trong chế độ ăn, có thể nhanh chóng vượt quá hướng dẫn về cholesterol hàng ngày do ăn nhiều trứng mỗi ngày.
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng một quả trứng mỗi ngày dường như không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Trên thực tế, một nghiên cứu lớn trên nửa triệu người trưởng thành ở Trung Quốc cho kết quả ăn một quả trứng mỗi ngày làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Nhưng nếu ăn 3 hoặc 4 quả trứng đều đặn vào mỗi buổi sáng có thể lại là một câu chuyện khác. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy ăn hơn 300mg cholesterol mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 17% và nguy cơ tử vong cao hơn 18%. Một phân tích tổng hợp lớn năm 2022 được công bố trên tạp chí Circulation đã kết luận rằng việc tiêu thụ trứng hàng ngày nhiều hơn và tổng lượng cholesterol trong chế độ ăn uống cao có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong cao hơn. Do đó các chuyên gia tim mạch khuyên nên ăn trứng điều độ để tốt cho sức khỏe tim mạch.
Có thể tăng cân
Nếu thường xuyên ăn bữa sáng kèm với trứng với các loại thực phẩm như xúc xích, khoai tây nghiền, bánh kếp có đường, cà phê nhiều kem… có thể sẽ khiến cơ thể nặng nề do tiêu thụ hàm lượng calo cao.
Để có sức khỏe và cân nặng tối ưu, hãy thử bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn cho trứng như rau bina tươi, ớt chuông thái hạt lựu hoặc cà chua bi thái lát để có ít calo hơn. Hoặc có thể chiên, rán trứng bằng chất béo có lợi cho tim như bơ hoặc dầu ô liu.
Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Có thể việc ăn nhiều trứng cũng làm tăng nguy cơ mắc một bệnh mạn tính khác. Trong một nghiên cứu năm 2009 trên tạp chí Chăm sóc bệnh đái tháo đường, những người ăn hơn 7 quả trứng mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn những người ăn ít trứng hơn.
Đã có nghiên cứu khác phát hiện ra rằng ăn trứng thực sự cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và độ nhạy insulin ở những người mắc bệnh tiền đái tháo đường và đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, điều quan trọng là ăn trứng cũng cần điều độ như mọi thực phẩm lành mạnh khác dù trứng là một loại thực phẩm bổ dưỡng và đa năng, chỉ nên tiêu thụ trứng ở mức độ vừa phải, tối đa bảy quả trứng mỗi tuần tránh những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.
Ăn quá nhiều trứng có thể dẫn đến tăng mức cholesterol, bệnh tim, tăng cân, đái tháo đường và thói quen ăn uống không lành mạnh. Điều quan trọng là phải chú ý đến lượng trứng ăn vào và xem xét chế độ ăn uống cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể. Để biết chắc chắn nên ăn bao nhiêu trứng là quá nhiều đối với cơ thể, nên đi khám để hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.