Quy trình cấp hộ chiếu vaccine điện tử thế nào? Vì sao mã QR có giá trị 12 tháng?
Bản chất của hộ chiếu vaccine điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-COVID, chỉ khác là chúng ta sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu để xác minh thông tin lẫn nhau khi ra nước ngoài
3 cơ sở y tế đã thử nghiệm quy trình cấp hộ chiếu vaccine điện tử
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống sáng 23/3 về vấn đề cấp hộ chiếu vaccine điện tử đang được quan tâm, ThS Nguyễn Bá Hùng - Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, ngày 20/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5772 về biểu mẫu và quy trình cấp hộ chiếu vaccine.
Ngay sau đó, Bộ Y tế phối hợp tích cực với Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan liên quan bổ sung chức năng "ký số" trên nền tảng quản lý tiêm chủng. Đồng thời tiếp nhận tài trợ Hệ thống cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine của một đối tác.
Trong tuần qua, Bộ Y tế đã thử nghiệm quy trình cấp hộ chiếu vaccine tại 3 cơ sở y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện E. Kết quả cho thấy hệ thống đã sẵn sàng, đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cũng có vấn đề các bệnh viện băn khoăn liên quan đến việc cơ sở tiêm chủng phải có chứng thư số để chữ ký số; rồi thực tế nhiều cơ sở tiêm chủng đang nhập thông tin tiêm chủng của cơ sở khác, do người ở cơ sở khác nhập…
"Tuần tới, Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn cấp hộ chiếu vaccine điện tử tiến tới triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử rộng rãi toàn quốc"- ông Bá Hùng nói.
Người dân có nhu cầu cấp hộ chiếu vaccin điện tử thì phải làm gì?
Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên Nền tảng Quản lý tiêm chủng sẽ không phải làm thủ tục gì khác. Các cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm nhập dữ liệu, ký số trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng.
Cục Y tế dự phòng ký số tập trung và sau đó mỗi người dân sẽ có mã QR, được hiển thị trên ứng dụng PC-COVID, Sổ Sức khoẻ điện tử.
"Bản chất của hộ chiếu vaccine điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-COVID hiện nay, chỉ khác là chúng ta sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu để có thể xác minh thông tin lẫn nhau khi ra nước ngoài"- Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế Nguyễn Bá Hùng giải thích.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, sau khi Bộ Y tế ban hành Quyết định 5772, có nhiều người dân đã đến trực tiếp tại Cục Y tế dự phòng hoặc gửi thư, gửi câu hỏi khi nào được cấp hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên từ ngày 15/3 mở cửa du lịch quốc tế, nhu cầu cấp hộ chiếu vaccine chắc chắn sẽ nhiều…
Trước những lo ngại có ách tắc khi số lượng người cần cấp rất lớn trong thời gian ngắn, ông Bá Hùng giải thích "chữ ký số có thể ký theo lô, cho hàng ngàn chứng nhận cùng lúc, chứ không phải là chọn từng người để ký".
Vì sao thời hạn của mã QR có giá trị 12 tháng?
Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế cho biết thời hạn của mã QR có giá trị 12 tháng theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu, để đảm bảo tính bảo mật.
"Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, không ảnh hưởng đến việc sử dụng hộ chiếu vaccine của người dân. Sau 12 tháng hệ thống sẽ tự động khởi tạo mã QR khác. Việc này giống như chúng ta phải đổi mật khẩu sau 1 khoảng thời gian của các ứng dụng ngân hàng điện tử"- ông Nguyễn Bá Hùng thông tin.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin cũng cho biết, Cục Công nghệ thông tin đang làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine. Nếu người dân đã có thông tin chính xác trên ứng dụng PC-COVID và Sổ Sức khoẻ điện tử thì sẽ được tự động hiển thị hộ chiếu vaccine. Kết quả là 1 mã QR code theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể dùng để đi nước ngoài.
Đến ngày 22/3, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm ở nước ta là 202.029.331 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.966.534 liều: Mũi 1 là 70.946.442 liều; Mũi 2 là 67.892.827 liều; Mũi 3 là 1.496.242 liều; Mũi bổ sung là 14.660.747 liều; Mũi nhắc lại là 29.970.276 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.062.797 liều: Mũi 1 là 8.754.946 liều; Mũi 2 là 8.307.851 liều.
Việt Nam cũng đang chuẩn bị để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước đó, quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Quy trình cấp gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Hộ chiếu vaccine" cần hiển thị 11 trường thông tin: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.
Theo Thái Bình/SK&ĐS
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/quy-trinh-cap-ho-chieu-vaccine-dien-tu-the-nao-vi-sao-ma-qr-co-gia-tri-12-thang-169220323115219086.htm