Độc lạ lễ hội ớt A Riêu
Lần đầu tiên trái ớt A Riêu của bà con vùng cao Đông Giang (Quảng Nam) được vinh danh giới thiệu, quảng bá với khách du lịch trong cả nước.
Điều ít biết về ớt A Riêu
Ngày 15/8, tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) phối hợp tổ chức Lễ hội Ớt A Riêu lần thứ I năm 2024.
Từ lâu, ớt A Riêu là một trong những loại gia vị quan trọng trong các món ăn và trở thành một phần văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn. A Riêu trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là con chim chào mào, loại ớt A Riêu ở vùng Đông Giang được đặt tên này với huyền tích loài chim chào mào ăn những trái ớt mọc ở rừng, từ đó phát tán hạt giống khắp núi rừng.
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt của vùng đất này tạo ra sự khác biệt của giống ớt với kích thước khá nhỏ, có vị cay, thơm nồng vừa phải rất đặc trưng riêng khác hẳn với các giống ớt ở nơi khác. Đây là sản vật có giá trị về mặt thương mại, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và mang lại thu nhập hiệu quả cao cho người dân.
Giống ớt A Riêu được công nhận nông sản hữu cơ hoàn toàn tự nhiên và gắn nhãn OCOP 4 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo tồn đa dạng sinh học.
Cây ớt A Riêu với đặc trưng trái nhỏ, vị cay nồng.
Nông sản được gieo trồng phổ biến tại nhiều xã và hiện nay nhân giống được 12 ha với khoảng 100 hộ dân tham gia. Loại ớt này cho năng suất thu hoạch quanh năm, với sản lượng ước tính trên địa bàn đạt 10,5 tấn. Giống ớt khi được sơ chế, sẽ được bảo quản, chế biến thành nhiều loại thực phẩm đặc trưng của địa phương như ớt A Riêu muối, tương ớt A Riêu, muối ớt A Riêu, ớt A Riêu muối chua....
Ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, để bảo tồn, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu đặc trưng giống ớt A Riêu, hình thành vùng chuyên canh sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện triển khai dự án bảo tồn và phát triển giống ớt A Riêu tại xã Mà Cooih theo quy hoạch giai đoạn 2022 – 2025 với diện tích trên địa bàn huyện đạt 50ha.
Khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu ớt A riêu
Lễ hội ớt A Riêu huyện Đông Giang lần thứ nhất năm 2024 với sự tham gia của 11 xã, thị trấn. Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng tại lễ hội được tổ chức như chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc, triển lãm ảnh các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP, trưng bày ẩm thực, thi thuyết trình quảng bá giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương và sản phẩm ớt A Riêu, thi Múa trống chiêng hòa cùng lửa thiêng, tái hiện nghi thức rước Vật thiêng ớt A Riêu...
Tại lễ khai mạc, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, lễ hội ớt A Riêu lần đầu tiên được tổ chức sẽ là một hoạt động gắn với phát triển nông sản và du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Đông Giang nhằm góp phần tôn vinh, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu ớt A Riêu của tỉnh Quảng Nam nói chung và Đông Giang nói riêng, góp phần vào niềm tự hào về hình ảnh con người, quê hương Đông Giang, Quảng Nam.
Thông qua chuỗi sự kiện Lễ hội Ớt A Riêu lần thứ nhất năm 2024, kỳ vọng là dịp mở ra kênh xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ, trao đổi kinh nghiệm và là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp - người sản xuất kí kết tiêu thụ sản phẩm".
Tại lễ khai mạc diễn ra lễ kí kết bao tiêu sản phẩm ớt A Riêu giữa đại diện Khu du lịch (KDL) sinh thái Cổng Trời Đông Giang và HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih. Đây là nỗ lực của doanh nghiệp với mong muốn tạo sinh kế bền vững cho người dân, khẳng định chất lượng, nâng tầm uy tín và thương hiệu của ớt A Riêu trên thị trường nông sản Việt...