Tỉnh Gia Lai làm trái quy định, nữ đại gia "sang tay" 2 điện gió ngàn tỉ đồng

15/08/2024 18:23

Chủ tịch, Phó chủ UBND tỉnh Gia Lai và giám đốc các sở liên quan phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm ở các dự án điện gió.

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng.

Trong đó, kết luận thanh tra xác định các dự án điện gió mắc nhiều vi phạm.

Hai dự án điện gió được nêu tên là Nhà máy Điện gió phát triển miền núi (do Công ty CP Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư) và Nhà máy Điện gió chế biến Tây nguyên (do Công ty CP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư). Cả hai nhà máy đều có công suất 50 MW, tổng mức đầu trên 1.900 tỉ đồng, khởi công từ giữa tháng 6-2020.

Dự án điện gió tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông

Dự án điện gió tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông

Theo hồ sơ, Công ty CP Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty CP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai đều được thành lập vào tháng 4-2020, cùng có trụ sở tại 18 Hùng Vương, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Cả hai công ty cùng có vốn điều lệ mỗi công ty là 25 tỉ đồng, cổ đông chi phối chính là bà Nguyễn Thị Sen (SN 1956), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chè Bàu Cạn.

Thanh tra Chính phủ xác định trong quá trình thực hiện 2 nhà máy điện gió, hai công ty trên không bảo đảm năng lực tài chính. Cụ thể là không có tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư; không có tài liệu chứng minh vốn góp chủ sở hữu là 383 tỉ đồng (vượt xa vốn điều lệ, tương đương 20% tổng mức đầu tư của dự án).

Tuy vậy, Sở Kế hoạch - Đầu tư và các sở ngành chức năng của tỉnh Gia Lai không tổ chức thẩm định năng lực tài chính mà rất nhanh chóng tham mưu để UBND tỉnh Gia Lai ban hành hai quyết định cấp chủ trương đầu tư (cùng ngày 21-7-2020) cho hai công ty là vi phạm.

Thậm chí, tỉnh Gia Lai còn bổ sung phần diện tích đất tại xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông cho Công ty CP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai sai vị trí được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt.

Cả hai nhà máy đều khởi công xây dựng khi chưa được bàn giao đất ngoài thực địa, chưa thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công là chưa đủ điều kiện để khởi công công trình.

Thời điểm kiểm tra, hai nhà máy điện gió trên đều chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư nhưng cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai buông lỏng quản lý, không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ với số tiền trên 16 tỉ đồng.

Lễ động thổ bộ đôi nhà máy điện gió ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông vào năm 2020 - Ảnh: Văn Dũng

Lễ động thổ bộ đôi nhà máy điện gió ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông vào năm 2020 - Ảnh: Văn Dũng

Ngoài ra, trong quá trình triển khai xây dựng hai nhà máy, chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài nhưng không báo cáo. Các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã buông lỏng quản lý, không xử phạt vi phạm.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ xác định, chỉ một tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư, khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai thì cả 2 công ty trên đã bắt đầu chuyển nhượng cổ phần. Tính đến ngày 6-11-2021, cả hai công ty đã bán 99,7% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thanh tra Chính phủ xác định để xảy ra thiếu sót trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở KH-ĐT, Sở Công Thương....

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc dự án chuyển nhượng cổ phần khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai và các sai phạm đã được chỉ ra. Quá trình xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Ngoài là Chủ tịch HĐQT Công ty CP chè Bàu Cạn, tại tỉnh Gia Lai, bà Nguyễn Thị Sen còn là chủ tịch HĐQT của Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai và Công ty CP Công trình đô thị Gia Lai. Đây là các công ty tiền thân của nhà nước, sau khi cổ phần hóa thì đều được bà Sen thâu tóm.