Tin sáng 22/3: Số ca mắc COVID-19 mới giảm; 17 nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam

22/03/2022 07:16

PLBĐ - Việt Nam đang trải qua chuỗi ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm mạnh; Nước ta đạt thỏa thuận công nhận lẫn hộ chiếu vaccine với 17 quốc gia;... là những thông tin đáng chú ý.

Ca mắc mới COVID-19 trong ngày tiếp tục giảm 

Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 20/3 đến 16h ngày 21/3, cả nước ghi ghi nhận 131.713 ca nhiễm COVID-19 mới. Trong đó, có 4 ca nhập cảnh và 131.709 ca ghi nhận trong nước (giảm 9.440 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 87.895 ca trong cộng đồng).

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.089.761 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, nước ta đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 81.848 ca nhiễm). Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.082.091 ca, trong đó có 4.279.851 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đến thời điểm hiện tại, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 41.949 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số liều vaccine đã được tiêm ở nước ta là 201.828.138 liều.

17 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam

Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Việt Nam công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với các nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã rất tích cực, chủ động đàm phán, đẩy nhanh quá trình công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo đó, tính đến ngày 17/3, Việt Nam đã đạt được thoả thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia, bao gồm: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Belarus, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia và Hàn Quốc. Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại.

Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận. Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam vẫn đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vaccine của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Tin sáng 22/3: Số ca mắc COVID-19 mới giảm; 17 nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Hộ chiếu vaccine được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…

Hộ chiếu vaccine nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.

TP. HCM lần đầu tiên không còn xã, phường "vùng cam"

Báo cáo về đánh giá cấp độ dịch ngày 21/3 của Sở Y tế TP. HCM cho thấy từ ngày 14/3 đến 20/3, thành phố không còn phường/xã ở cấp độ 3, 4 (vùng cam, vàng).

Đây là lần đầu tiên kể từ khi thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch, TP. HCM không ghi nhận địa phương vùng cam. Đánh giá này căn cứ trên số liệu báo cáo của các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Trong 312 xã/phường, có 300 địa phương ở cấp độ 1, tăng 11 phường so với tuần trước. Toàn thành phố chỉ có 12 phường, xã ở cấp độ 2, giảm 9 phường so với tuần trước. Cụ thể, các địa phương có xã, phường ở cấp 2 là: Quận 1 (phường Bến Nghé, Cầu Ông Kho); quận 6 (phường 5); quận 11 (phường 5, 15); quận Phú Nhuận (phường 2); quận Tân Phú (phường Tân Quý); huyện Củ Chi (xã Phước Hiệp, Tân Phú Trung); TP Thủ Đức (phường An Lợi Đông, An Phú, Thủ Thiêm).

Thuốc trị COVID-19 AstraZeneca vô hiệu hoá các biến thể phụ của Omicron

Tin sáng 22/3: Số ca mắc COVID-19 mới giảm; 17 nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam - Ảnh 2.

Thuốc kháng thể đơn dòng Evusheld dạng tiêm của AstraZeneca. (Ảnh: AFP)

Theo TTXVN thông tin, ngày 21/3, hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo loại thuốc kháng thể Evusheld với công dụng ngăn ngừa và điều trị COVID-19 vẫn có thể vô hiệu hoá được các biến thể phụ của Omicron, kể cả phiên bản "tàng hình" BA.2 rất dễ lây lan.


Trước đó, tháng 12/2021, nhà sản xuất thuốc liên doanh giữa Anh - Thụy Điển trên cho hay một nghiên cứu khác cho thấy Evusheld trung hòa được biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.


Dữ liệu từ nghiên cứu mới nhất của Đại học Washington ở Mỹ cho thấy liệu pháp này làm giảm tải lượng virus của tất cả các biến thể Omicron (BA. 1, BA. 1.1 và BA. 2) được thí nghiệm trên phổi chuột. Kết quả này hiện chưa được hội đồng chuyên môn thẩm định lại. 


Trong quá trình nghiên cứu, Evusheld được chứng minh là có thể cứu sống và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh nếu người mắc COVID-19 tiêm thuốc này trong vòng một tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Nó cũng cho thấy khả năng hạn chế tình trạng viêm nhiễm ở phổi - triệu chứng quan trọng trong các trường hợp mắc COVID-19 thể nặng. 


Hãng Reuters dẫn lời ông John Perez, người đứng đầu bộ phận phát triển vaccine tại AstraZeneca cho biết: "Những phát hiện này giúp củng cố Evusheld như một lựa chọn quan trọng để giúp bảo vệ những bệnh nhân dễ bị tổn thương khỏi COVID-19".


Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng lo ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu hiện nay, trong bối cảnh biến thể Omicron và BA.2 lan rộng khi chính phủ các nước nới lỏng chính sách kiểm dịch. 


Tuần trước, Cơ quan quản lý dược phẩm của Anh cho biết Evusheld được chứng minh có hiệu quả giảm 77% nguy cơ phát triển các triệu chứng của bệnh COVID-19 trong các thử nghiệm, đồng thời phê duyệt sử dụng liệu pháp ngăn ngừa này cho người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch.


Trong khi vaccine dựa vào hệ thống miễn dịch để phát triển kháng thể và các tế bào chống nhiễm trùng, thuốc Evusheld chứa sẵn các kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm và sẽ tồn tại trong cơ thể nhiều tháng để ngăn chặn virus xâm lấn. 


Liệu pháp điều trị này đã được cấp phép ủy quyền ở Mỹ và đang được xem xét tại châu Âu. 


T.H (th)