Bé ngã vào bát canh nóng, bôi mỡ trăn khiến bỏng càng nặng: Bác sĩ cảnh báo
Các bác sĩ tại Đơn vị Bỏng - khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho bé gái 12 tháng tuổi, ở Bắc Ninh, bị bỏng nước canh.
Sự việc xảy ra khi cả nhà đang chuẩn bị bữa tối, bé vô tình ngã vào bát nước canh vừa nấu, khiến vùng đầu, vai và cánh tay phải bị bỏng nặng. Gia đình hoảng hốt đưa bé đến thầy lang gần nhà để chữa trị. Tại đây, thầy lang dùng mỡ trăn để bôi lên vết bỏng, hy vọng sẽ làm dịu vết thương nhưng tình trạng bỏng của bé trở nên nghiêm trọng hơn, vết bỏng càng lan rộng, nhiễm trùng.
Bé còn xuất hiện các triệu chứng sốt cao, gia đình phải đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám. Sau các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bỏng nước canh độ II, III với diện tích khoảng 10% trên cơ thể, bao gồm vùng đầu, vai và cánh tay phải.
"Do gia đình sơ cứu sai cách bằng việc bôi mỡ trăn lên vết bỏng, tình trạng nhiễm trùng càng nhanh hơn khiến vết thương càng trở nên trầm trọng hơn", ThS.BSCKII Phùng Công Sáng – Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương nói.
Theo bác sĩ, việc bôi mỡ trăn có thể làm dịu cảm giác đau ở vùng bỏng nông, nhưng với các vết bỏng sâu, phương pháp này không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn gây nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, làm tăng độ sâu của bỏng và khiến tình trạng trở nên phức tạp hơn.
Các bác sĩ tại Đơn vị Bỏng đã lập kế hoạch điều trị và chăm sóc vết thương cho bé. Bé được thay băng hàng ngày và được tư vấn chế độ dinh dưỡng đặc biệt để giúp tăng cường thể trạng, hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng. Hiện tình trạng sức khoẻ của bé ổn định, được xuất viện.
Bỏng nước canh có cơ chế tương tự như bỏng nước sôi, nhưng lại nguy hiểm hơn do nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Nước canh nóng thường có nhiệt độ trên 50 độ C, khi tiếp xúc với da sẽ gây bỏng nhiệt. Mức độ nghiêm trọng của vết bỏng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ của nước canh, thời gian tiếp xúc, diện tích vùng da bị bỏng và vị trí của vết bỏng.
Bất kỳ loại bỏng nào, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Với các trường hợp bỏng như trên, việc quan trọng nhất là sơ cứu ban đầu đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị chuyên sâu.
Hướng dẫn sơ cứu bỏng đúng cách tại nhà
Để giảm thiểu nguy cơ bỏng trở nên nặng hơn và tránh các biến chứng nguy hiểm, phụ huynh cần nắm vững kỹ năng sơ cứu bỏng đúng cách tại nhà. Dưới đây là các bước sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước canh:
- Cách ly trẻ khỏi tác nhân gây bỏng: Phụ huynh cần đưa trẻ ra xa khỏi bát nước canh hoặc bất kỳ nguồn nhiệt nào khác để ngăn ngừa tình trạng bỏng lan rộng.
- Làm mát vùng bị bỏng: Ngâm phần cơ thể bị bỏng (tay, chân) của trẻ vào nước mát sạch (nhiệt độ khoảng 16-20 độ C) trong ít nhất 30 phút. Điều này giúp làm dịu da và giảm nguy cơ tổn thương sâu hơn. Nếu trẻ bị bỏng ở vùng mặt, phụ huynh có thể dùng khăn ướt mềm đắp nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương.
- Chú ý giữ ấm cho trẻ: Nếu diện tích vùng bỏng rộng, cần giữ ấm cho trẻ bằng cách che phủ những phần không bị bỏng để tránh tình trạng sốc nhiệt, đặc biệt không nên sử dụng đá lạnh để làm mát vùng bỏng, vì điều này có thể dẫn đến bỏng lạnh, làm vết thương nặng hơn.
- Không tự ý bôi các chất không có cơ sở khoa học: Phụ huynh cần lưu ý tuyệt đối không bôi dầu, kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá hay bất kỳ loại thảo dược, lá cây nào lên vết bỏng vì điều này dễ gây nhiễm trùng.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế: Sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Phòng tránh tai nạn bỏng ở trẻ em
BS Phùng Công Sáng cũng khuyến cáo, bỏng nhiệt là một trong những tai nạn phổ biến và nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trong môi trường gia đình. Để phòng ngừa những tai nạn này, các bậc cha mẹ cần luôn cảnh giác và tạo ra môi trường an toàn cho trẻ.
Cha mẹ không nên cho trẻ chơi đùa ở những nơi có nguồn nhiệt như bếp nấu ăn, dây dẫn điện, ổ cắm điện hay các vật dụng dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn. Đồ ăn, thức uống nóng cũng nên được để xa tầm tay của trẻ để tránh tai nạn không đáng có.
Việc giám sát trẻ nhỏ trong quá trình sinh hoạt hàng ngày cũng rất quan trọng. Phụ huynh cần đảm bảo luôn có người lớn ở bên cạnh để quan sát, hướng dẫn và bảo vệ trẻ khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn trong nhà.