Cục Cảnh sát hình sự cảnh báo về lệnh truy nã giả mạo

18/03/2022 16:25

PLBĐ - Cục Cảnh sát hình sự cho biết quyết định truy nã là bản giấy có đóng dấu đỏ hoặc bản sao có ký duyệt. Các tin nhắn thông báo truy nã qua điện thoại đều là giả mạo.

Gần đây, nhiều người phản ánh việc nhận được tin nhắn điện thoại có nội dung thông báo họ bị cơ quan cảnh sát điều tra truy nã về hành vi lừa đảo, cấu kết chiếm đoạt tài sản. Tin nhắn nêu rõ thời gian, địa điểm và hành vi bị truy nã. Đáng chú ý, người nhắn tin còn yêu cầu các cá nhân nhận được tin nhắn phải tự giác ra trình diện, nếu không sẽ chuyển giao khoản vay cho công ty đòi nợ thuê.

Trước tinhf trạng này, Đại tá Trần Ngọc Cường - Trưởng phòng Truy nã, Truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự (C02 Bộ Công an) khẳng định, cơ quan điều tra không gửi quyết định truy nã bằng tin nhắn điện thoại.

Theo Đại tá Cường, Điều 231 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về truy nã: Khi bị can trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu, thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã. Quyết định truy nã phải được thể hiện bằng bản giấy có đóng dấu đỏ hoặc bản sao của người có thẩm quyền ký duyệt. Cơ quan công an không công bố quyết định truy nã qua tin nhắn điện thoại.

Trong đó, quyết định truy nã bị can cần thể hiện đầy đủ các nội dung như: Thời gian, địa điểm ra quyết định truy nã; cơ quan, họ tên, chức vụ người ra quyết định truy nã; căn cứ truy nã; thông tin lý do, nhận dạng, ảnh đối tượng bị truy nã; tội danh bị khởi tố, truy tố; địa chỉ, số điện thoại của cơ quan ra quyết định truy nã.

photo-1647594994769

Lệnh truy nã giả, được gửi đến điện thoại người dân.

Theo CAND, thẩm quyền ra quyết định truy nã gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, ANĐT Công an các cấp ra quyết định truy nã đối với bị can, bị cáo trong các vụ án đang điều tra hoặc theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; Giám thị, Phó Giám thị trại giam; Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an.

Sau khi ban hành, quyết định truy nã được gửi đến: Công an địa phương nơi đăng ký cư trú (thường trú, tạm trú); quê quán của người bị truy nã; công an cấp tỉnh nơi bị can lẩn trốn hoặc công an cấp tỉnh trên toàn quốc; VKSND cùng cấp với cơ quan ra quyết định... hoặc thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có yêu cầu ra quyết định truy nã. Cơ quan thi hành án, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cấp tỉnh nơi ra quyết định truy nã; Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh; cơ quan, tổ chức khác... khi xét thấy cần thiết.

Đại tá Trần Ngọc Cường nhấn mạnh, theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt bị can bị truy nã và giải ngay đến cơ quan công an, VKSND hoặc UBND nơi gần nhất để bàn giao. Ngoài ra, người dân có thể cung cấp thông tin tố giác tội phạm, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng công an khi xác minh, truy bắt bị can bị truy nã. Quá trình phối hợp, cơ quan chức năng sẽ đảm bảo an toàn thông tin, giữ bí mật tuyệt đối nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Đặc biệt, cơ quan công an có chế độ khen thưởng, động viên bằng tinh thần, vật chất theo quy định của Bộ Công an dành cho công dân đưa tin chính xác, hỗ trợ lực lượng công an trong quá trình xác minh, truy bắt bị can truy nã.

Phạm Hương (th)