TP.HCM lấy ý kiến người dân về dự thảo bảng giá đất mới
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khảo sát ý kiến người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn liên quan dự thảo bảng giá đất điều chỉnh từ ngày 19 - 23/8.
Để có thêm thông tin nhằm đánh giá về mức độ quan tâm, ý kiến của người dân về dự thảo Quyết định về điều chỉnh quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM triển khai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên Internet trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn.
Thời gian khảo sát từ ngày 19/8 - 23/8/2024. Người dân có thể bấm vào link dưới để tham gia khảo sát, đóng góp ý kiến.
Phiếu khảo sát về dự thảo bảng giá đất điều chỉnh dự kiến áp dụng của TP.HCM.
Trước đó, hôm 12/8, tại Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn, luật sư Nguyễn Văn Hậu - thành viên Hội đồng tư vấn đề Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQT Việt Nam TP.HCM cho rằng, dự thảo chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Bảng giá đất điều chỉnh phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Ở góc độ người dân và doanh nghiệp, nội dung đưa ra chưa phù hợp và tạo áp lực tài chính. Do đó, thành phố cần cân nhắc thời điểm ban hành quyết định thay thế quyết định 02/2020.
Theo luật sư Hậu, nhiều gia đình qua các thế hệ ở huyện Bình Chánh, Củ Chi vẫn chưa đủ tiền để tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để chia cho con. Nếu theo dự thảo, nhiều nơi giá đất tăng hàng chục lần sẽ gây khó khăn cho người dân.
Ngoài ra, giá đất tăng, chi phí đầu tư tăng lên, sẽ "bóp nghẹt" động lực đầu tư dự án của doanh nghiệp, làm nhà đầu tư chùn chân. Giá đất tăng kéo theo chi phí bồi thường cao, làm dự án đầu tư công, tư, chi phí đầu vào đều tăng, tạo sức ép tăng giá đất.
“ Sau đó là tăng giá cả hàng hóa, tác động bất lợi tới dự án nhà ở xã hội khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất làm dự án. Vì vậy, cần thêm thời gian điều chỉnh, đánh giá tác động toàn diện khi thực hiện bảng giá đất mới” , luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị.
Còn theo luật sư Trương Thị Hòa, người sử dụng đất cần có thời gian thích ứng với giá đất theo quy định mới của Luật Đất đai 2024, khuynh hướng tăng giá đất phù hợp với giá thị trường. Bên cạnh đó, cần điều tra, khảo sát thực tế trước khi ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Để các gia đình có liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai không bị áp lực, luật sư Hòa đề nghị UBND TP thực hiện theo Điều 257 khoản 1 Luật đất đai 2024 để bảng giá đất cũ được tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM về bảng giá đất trên địa bàn.
Theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, các tuyến đường khu vực trung tâm Quận 1 có mức tăng 5-6 lần so với bảng giá hiện hành. Nhiều tuyến đường khác tại Quận 7, 4, 12 được điều chỉnh tăng giá gấp 10-15 lần so với bảng giá đất hiện hành.
Tại huyện Hóc Môn có giá đất dự kiến tăng rất mạnh so với bảng giá đất hiện hành, mức tăng từ 20 lần đến hơn 30 lần.
Tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, giá đất mới dự kiến sẽ điều chỉnh tăng từ 10 - 20 lần so bảng giá đất giá đất cũ.
TP.HCM cũng dự kiến đất thương mại, dịch vụ bằng 80% giá đất ở liền kề. Giá đất không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm trong khu dân cư cùng khu vực.