Cảnh báo nhiều trẻ phải nhập viện vì những sai lầm khi điều trị COVID-19 tại nhà

18/03/2022 10:39

PLBĐ - Thời gian gần đây, tại nhiều bệnh viện đã liên tiếp ghi nhận những trường hợp trẻ nhập viện vì điều trị COVID-19 sai cách.

Ngày 18/3, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công bé sơ sinh 2 tháng tuổi. Bé nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sốt cao 40 độ, li bì, co giật nhiều cơn kéo dài, tím tái, bỏng vùng bụng độ I. Kết quả test nhanh của bé dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Tại bệnh viện, bé được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thống nhất chẩn đoán: Theo dõi viêm não, màng não, sốc nhiễm khuẩn/ nhiễm Corona Virus. Bé đã được xử trí cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy và dùng vận mạch, an thần, kháng sinh. Sau khi được cấp cứu tích cực, bé đã may mắn vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

Khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhi từ gia đình cho biết, bé bị COVID-19 ngày thứ 4, sốt cao, bú kém, ở nhà uống thuốc hạ sốt không giảm sốt, gia đình đã đắp tỏi vùng bụng của bé để chữa COVID và đắp lá vùng thóp để hạ sốt. Tuy nhiên tình trạng bé ngày càng nặng, sốt li bì, vùng bụng phồng rộp gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Bác sĩ trực tiếp cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân cho biết: "Bé nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, các bác sĩ phải chạy đua để có thể cấp cứu kịp thời. Với những bé sơ sinh khi mắc COVID-19 rất dễ chuyển biến nặng nếu không được theo dõi và chăm sóc kịp thời. Hiện tại tình trạng bé ổn định hơn và được chăm sóc đặc biệt".

Bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh khi có con không may nhiễm COVID-19 nếu thấy trẻ sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cần cho trẻ đến viện để được thăm khám và xử trí. Ngoài tình trạng co giật do sốt, trẻ còn dễ bội nhiễm vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, hoặc bản thân virus SARS-CoV-2 có thể tấn công vào nhiều cơ quan đặc biệt nguy hiểm như tim, phổi, thần kinh… Đặc biệt không được dùng tỏi, lá thuốc hoặc bất cứ loại thuốc nào không được các bác sĩ khuyến cáo đắp hoặc cho trẻ uống.

Cảnh báo tình trạng trẻ bị thương tích do điều trị COVID-19 tại nhà sai cách - Ảnh 1.

Bé sơ sinh tím tái, co giật do gia đình đắp tỏi chữa COVID-19. (Ảnh: BVCC)

Được biết, thời gian gần đây, tại nhiều bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì điều trị COVID-19 tại nhà sai cách. Đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm, cần cảnh báo với các bậc phụ huynh.

Ngày 10/3, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này ghi nhận liên tiếp các ca COVID-19 trẻ em bị bỏng nặng liên quan xông lá thuốc. Tại khoa Điều trị COVID-19 trẻ em đã điều trị cho 2 bệnh nhi bị bỏng nặng vì phụ huynh xông lá cho con với hy vọng chữa được COVID-19.

Trường hợp thứ nhất là một bé trai 12 tuổi đến từ Long An. Do mắc COVID-19 nên bé được người nhà cho xông lá. Khi đang xông, người lớn đùa giỡn, đá vào chậu xông, nước văng lên người khiến bé bị bỏng nặng nửa thân dưới và bộ phận sinh dục. Một trường hợp bỏng khác là một bé gái 10 tuổi nhiễm SARS-CoV-2. Mặc dù triệu chứng COVID-19 không nặng nhưng bé đang phải chịu nhiều đau đớn và mệt mỏi vì phải uống nhiều kháng sinh, an thần, giảm đau.

Ngày 9/3, Bệnh viện Trẻ em TP. Hải Phòng cũng cho biết, bệnh viện đã cấp cứu và điều trị thành công cho 3 bệnh nhi nhiễm COVID-19 bị thủng dạ dày. Theo đó, cả 3 bệnh nhi đều nhập viện với triệu chứng đau bụng, sốt, nôn khi đang mắc COVID-19.

Trước đó ngày 22/2, Bệnh viện Trẻ em hội chẩn từ xa một bệnh nhi 10 tuổi ở Tiên Lãng (Hải Phòng) dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhi này có biểu hiện đau bụng dữ dội vùng trên rốn kèm sốt, nôn. Bé được chẩn đoán bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày/mắc COVID-19.

Bệnh viện này sau đó cũng tiếp nhận 2 bệnh nhi khác mắc COVID-19 với triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn và có kết quả thủng dạ dày tương tự.

Các em được cấp cứu, phẫu thuật nội soi, khâu lỗ thủng dạ dày, dẫn lưu ổ bụng song song điều trị COVID-19. Hiện, các bệnh nhi đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Cảnh báo nhiều trẻ phải nhập viện vì điều trị COVID-19 tại nhà sai cách - Ảnh 2.

Lỗ thủng mặt trước môn vị phát hiện trong mổ nội soi. (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Trần Minh Cảnh, Phó giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cho biết: "Nguyên nhân thủng dạ dày gồm ba nhóm nguyên nhân là sang chấn tâm lý - stress (thường gặp ở người lớn), sử dụng thuốc chống viêm không steroid không đúng cách và nhiễm vi khuẩn HP. Qua khám, điều trị, các bác sĩ nghi ngờ các bệnh nhi bị thủng dạ dày có liên quan việc sử dụng thuốc khi trẻ mắc COVID-19".

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh không nên tự ý sử dụng các thuốc kháng viêm không chứa steroid (prednisolone, dexamethasone…) khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Những thuốc này thường thấy trong các gói thuốc không nhãn mác, một số hiệu thuốc tự bán cho bệnh nhân mà không có đơn của bác sĩ.

Dấu hiệu bất thường ở trẻ mắc COVID-19 cần báo y tế ngay

Theo Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 14/3, với trẻ dưới 5 tuổi, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây, gia đình phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh"

- Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.

- Sốt cao liên tục > 39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.

- Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:

+ Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;

+ Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút;

+ Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.

- Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...

- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)

- Tím tái; Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít...

- Nôn mọi thứ; Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được

- Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...

- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

T.H (th)