Khẩn trương sửa đổi quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống buôn lậu
Khẩn trương sửa đổi quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống buôn lậu là nội dung được quy định trong Thông báo 381/TB-VPCP năm 2024.
Khẩn trương sửa đổi quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống buôn lậu (Hình từ Internet)
Ngày 15/8/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 381/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Khẩn trương sửa đổi quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống buôn lậu
Theo đó, để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ được quy định cụ thể trong Thông báo 381/TB-VPCP năm 2024 như sau:
- Tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong thực thi công vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, đường cát, xăng dầu, than, khoáng sản, vàng, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rác thải độc hại, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực trình độ làm việc của cán bộ, công chức, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời động viên tập thể, cá nhân có thành tích trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
- Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; mỗi người dân là người tiêu dùng thông minh, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng.
- Các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, xử lý vi phạm hành chính, hình sự, quản lý hóa đơn điện tử và công tác giám định, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ “Về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ”.
- Tăng cường hợp tác, tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trước ngày 31/10/2024.
Xem thêm Thông báo 381/TB-VPCP ban hành ngày 15/8/2024.