Bổ sung trí tuệ nhân tạo vào Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi bao gồm nội dung về trí tuệ nhân tạo và đổi tên Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Bổ sung trí tuệ nhân tạo vào Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn (Hình từ Internet)
Bổ sung trí tuệ nhân tạo vào Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Ngày 07/8/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" (Đề án).
Sau khi nghe báo cáo của đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận tại Thông báo 380/TB-VPCP ngày 14/8/2024 như sau:
- Hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tập trung xây dựng hoàn thiện Đề án và ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu dự họp.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý, tiếp tục rà soát, hoàn thiện Đề án với tinh thần nội dung mang tính định hướng, kết hợp hài hòa với các chỉ tiêu định lượng, bảo đảm sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, trong đó lưu ý một số nội dung sau đây:
+ Thúc đẩy hợp tác công tư trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; việc đào tạo được thực hiện ở cả các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập; trong đó, Nhà nước đầu tư nguồn lực tài chính cho các cơ sở đào tạo công lập và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp các cơ sở đào tạo ngoài công lập.
+ Việc đào tạo bảo đảm đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; trong đó lưu ý chương trình, nội dung đào tạo bảo đảm tính khả thi, chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là việc đào tạo chuyển đổi cho nhân lực ở các ngành gần, có liên quan xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam; vấn đề chuẩn bị giáo viên và các cơ sở đào tạo; sự gắn kết với các doanh nghiệp để thực tập…
+ Nghiên cứu về việc bổ sung phạm vi và đổi tên Đề án thành: “Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
+ Về kinh phí: việc triển khai Đề án, các chương trình, dự án cụ thể và bố trí kinh phí phải tuân thủ theo quy định pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.
+ Về việc đầu tư các phòng thí nghiệm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát kỹ, bảo đảm tính tổng thể, hiệu quả, phù hợp, khả thi; xem xét thành lập Hội đồng đánh giá để xây dựng tiêu chí và lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học để đầu tư các phòng thí nghiệm.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động trao đổi, làm việc với các bộ, cơ quan liên quan, trong đó có Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Công Thương, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp chặt với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc rà soát, hoàn thiện Đề án và dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình; trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 30/8/2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo rà soát kỹ trước khi báo cáo Thường trực Chính phủ.