Điều tra: Chiêu trò phá xe của khách trên các quốc lộ - Bài 1: Cận cảnh chủ tiệm rạch lốp, phá xe ở khu cầu vượt Linh Xuân
Khu cầu vượt Linh Xuân giáp ranh tỉnh Bình Dương và TP.HCM có các tiệm phá xe của khách nhanh như ảo thuật rồi thay bằng phụ tùng trôi nổi.
LTS: Từ lâu rất nhiều người dân bức xúc về việc bị các tiệm, các nhóm sửa xe dọc Quốc lộ 1 (đoạn qua TP.HCM), Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) và Quốc lộ 14 (tỉnh Bình Phước) phá xe của họ để thay phụ tùng cũ, phụ tùng trôi nổi với giá cao.
Có nơi còn cho trẻ em tham gia vào việc phá xe của các nạn nhân khi ghé vào uống nước để người dân phải sửa xe, rồi sau đó rồi “chặt chém”. Với mong muốn vạch trần hành vi sai phạm của các tiệm sửa xe, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. PV báo Pháp Luật TP.HCM, đã vào cuộc...
Trên Quốc lộ (QL) 1 đoạn gần cầu vượt Linh Xuân (phường An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương) có một tiệm sửa xe dùng thủ thuật phá hỏng xe của khách để ép thay, sửa.
Chủ tiệm rạch vỏ, ruột xe của khách nhanh như chớp
Đây là tiệm sửa xe đầu tiên theo hướng từ cầu vượt Linh Xuân về quận 12, tiệm do Đàm Văn Long (44 tuổi, quê Thái Bình) làm chủ và cũng là khu vực liên tục xuất hiện tình trạng “đinh tặc” mà báo Pháp Luật TP.HCM và nhiều báo khác từng phản ánh.
Tiệm sửa xe của Đàm Văn Long.
Tiệm có bề ngang khoảng 4 m, bên ngoài treo ba bảng hiệu “Sửa xe Văn Minh, chuyên sửa chữa, tân trang, thay thế phụ tùng chính hãng…”.
Ngày 16-7, chúng tôi dẫn xe máy non hơi bánh sau tới nhờ ông Long kiểm tra. Tranh thủ lúc khách không chú ý, ông đã cầm một vật bén và nhỏ rồi dùng sức rạch vào lốp sau, hành vi này đã lọt vào ống kính của chúng tôi.
Phá xe xong, ông viện cớ đau tay, nhờ chúng tôi dựng đứng xe giúp.
Bằng động tác chuyên nghiệp, ông đã biến xe máy non hơi của chúng tôi thành xe máy rách toạc cả ruột lẫn vỏ và đường rạch dài đến 5 cm, đưa khách hàng vào thế bắt buộc phải thay cả ruột lẫn lốp xe.
Ông Long dùng vật nhọn phá xe.
Sau đó, ông kiểm tra qua loa rồi thốt lên: “Gì mà không còn miếng hơi vậy. Ôi dồi ôi, vầy sao vá? Đây này, nhìn đây này, toét (…) nó vỏ rồi còn làm gì nữa”.
Chúng tôi trình bày là đang chạy bình thường thì xe hết hơi, ông Long thản nhiên: “Ai biết được anh chạy. Giờ tôi ngồi mới thấy...”. Sau đó, ông chỉ vào đoạn rách 5 cm kéo dài theo thân lốp xe do chính ông vừa rạch, nói tiếp: “Thua rồi, cán phải cái gì thấy gớm…, tét như con dao rọc giấy, thua rồi”.
Sau đó, ông tháo ruột xe ra để kiểm tra và tiếp tục đưa cho PV xem một vết rách dài kèm sự ngạc nhiên giả tạo: “Trời, nhìn là biết ngay mà!”. Rồi ông thản nhiên báo giá cho vỏ, ruột xe phải thay: “Vỏ 320.000 đồng, loại tốt 360.000 đồng; ruột 80.000-90.000 đồng”. PV nói đã hết tiền, trong ví còn đúng 410.000 đồng. Thấy vậy, ông Long tỏ thái độ hào sảng: “Để đó em giúp đỡ cho, không sao đâu, yên tâm đi”.
Ông Long phá xe xong giấu vật nhọn dưới đế dép.
Ông Long cũng khuyến cáo nên thay loại lốp “tốt” có tên là “Cheng Shin” với giá 410.000 đồng, rồi nói đầy ẩn ý về việc ở cầu vượt Linh Xuân, TP Thủ Đức có rải đinh.
Sau đó, ông Long vứt vỏ và lốp lên nóc của trạm xe buýt kế bên.
Chỗ giấu “đồ nghề” phá lốp xe
Dù ghi nhận hành vi phù phép ruột, lốp xe mới thành hàng phế thải của ông Long nhưng chúng tôi vẫn không thể ghi nhận được ông này đã dùng vật gì để phá xe.
Đến chiều 17-7, chúng tôi tiếp tục dắt xe vào tiệm, nhờ ông Long kiểm tra giúp. Vừa kiểm tra, ông Long nói: “Có còn miếng hơi nào đâu”. Thay vì rạch phá như lần trước, lần này ông tháo bánh xe.
Vết rạch dài trên vỏ xe.
Sau đó ông dùng cây sắt nạy lốp, cố ý chọc sâu vào bên trong làm thủng ruột rồi day đi day lại cho rộng ra. Vừa làm, ông này vừa canh chừng chúng tôi.
Ống kính của chúng tôi ghi nhận chủ tiệm sửa xe này vờ lục tìm dụng cụ để vang lên tiếng lạch cạch nhưng thực ra là liếc mắt canh chừng khách rồi lấy từ đế dép đang mang một miếng sắt nhỏ, vừa làm các động tác thừa, ông vờ hỏi: “Đang đi học hay đi làm? Học ĐH Quốc gia hả? Giờ chỉ còn trường này là đang học chứ gì”.
Sau đó, ông rạch một đường vào bên trong lốp xe và mau chóng cất lại vật nhọn xuống dép. Toàn bộ hành vi này diễn ra trong chớp nhoáng. “Này đâu phải là đinh đâu, miếng gì bự chà bá vậy? Ôi dồi ôi, chạy gì chạy thấy gớm” - ông Long nói và cho PV thấy vết cắt dài khoảng 5 cm trên vỏ cùng một mảnh sắt tròn mà ông tự bịa ra là “thủ phạm”.
Ông Long sau đó báo giá ruột 80.000-90.000 đồng, vỏ 320.000-420.000 đồng. “Tùy con, muốn thay cái nào thì thay” - ông nói và khuyên nên thay loại vỏ tên là “Cheng Shin” vì tốt.
Tiệm sửa xe của Mai Văn Hòa.
Tất cả lốp, ruột xe bị ông Long phá, thay xong đều được vứt lên mái che của trạm xe buýt. Trong hai ngày PV ghi nhận, trên mái che này có rất nhiều lốp xe cũ do ông Long vứt lên. Những lốp xe này đều có vết rách…
Chọc phá hư cả cao su đùm bánh sau
Tính từ cầu vượt Linh Xuân về hướng quận 12, cách tiệm của ông Long khoảng 200 m là một tiệm sửa xe cũng “có vấn đề”. Những người chạy xe máy lưu thông trên QL1 lỡ xui rủi cán đinh, bị thủng hoặc cần bơm, vá gì chỉ có thể chọn một trong hai tiệm này nếu không muốn phải dắt bộ lên cầu vượt Sóng Thần một quãng rất xa mới có tiệm sửa xe.
Đây là tiệm sửa xe của ông Mai Văn Hòa (sinh năm 1989, quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Tiệm này nằm ngay mũi tàu cầu vượt Sóng Thần (phường An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương), bên ngoài để bảng nổi bật, ghi sửa xe Văn Hòa, chuyên Honda, tay ga...
Ông Hòa dùng dụng cụ chọc đến hỏng cao su đùm để thay giá cao.
Chiều 16-7, PV xả hết hơi trong lốp sau rồi vào bơm, kiểm tra thì thấy bên trong có hai người. Hòa ra xử lý, do ruột đã cũ nên khuyến cáo thay và chúng tôi đồng ý.
Thấy mọi chuyện diễn ra bình thường, tưởng chừng ông Hòa làm ăn chân chính, thế nhưng trong quá trình tháo bánh sau của xe, ông Hòa lại dùng cách phá xe nhằm chiếm đoạt tiền của khách. Ống kính của PV ghi nhận khi tháo bánh xe, ông Hòa một mặt canh chừng, mặt còn lại dùng một thanh sắt có đầu bén, dùng hết sức chọc gãy một miếng cao su đùm. Đến khi hai miếng cao su tách rời, rơi xuống đất, ông Hòa mới ngưng chọc phá. Diễn biến hành vi này rất nhanh, khó có thể phát hiện.
Sau đó, ông Hòa nói: “Hư hết rồi, có thay luôn không? Thay mà đi, này đi sao nổi. Nó dùng đẩy cho xe chạy đấy”. Vừa nói ông Hòa vừa vứt hai mảnh cao su mới phá hư qua chỗ PV đang ngồi, báo giá “một bộ 140.000 đồng, thoải mái mà kéo”…
Qua tìm hiểu, tuyến QL1 hướng từ cầu vượt Linh Xuân về cầu vượt Sóng Thần trong khoảng 200 m chỉ có hai tiệm sửa xe của ông Long và ông Hòa. Cả hai người này đều là “dân trong nghề”, quen biết với nhau.
Ở khu vực cầu vượt Linh Xuân, do thường xuyên xuất hiện tình trạng “đinh tặc” nên địa phương đã rà soát, mời làm việc cả ông Long và ông Hòa, yêu cầu cam kết không rải đinh, phá xe của người đi đường.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận hai tiệm sửa xe này thực hiện các hành vi phá xe, lấy tiền của khách.
Với bộ cao su đùm mà ông Hòa thay cho chúng tôi thì xe chạy lên ga bị cà giật. PV đã mang đến một tiệm sửa xe khác kiểm tra thì thợ ở đây thông báo cao su đùm thay “không đúng loại, đã bị thay loại rẻ tiền”. Trong khi đó, một bộ cao su đùm đúng loại, loại tốt có giá chỉ 45.000 đồng.•
(Kỳ sau: Các chủ tiệm liên tục giở các trò phá xe của khách để lấy tiền, trường hợp bị phát hiện thì tỏ thái độ hoặc xin lỗi, nhờ bỏ qua).